Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hiệp quốc Unesco đã công nhận Khu danh thắng Cửu Trại Câu là Di sản thiên nhiên thế giới năm 1992.
Cửu Trại Câu - di sản thiên nhiên của Trung Quốc
Nằm trong khu tự trị của dân tộc Khương, dân tộc Tạng A Bá phía Bắc tỉnh Tứ Xuyên, khu bảo tồn thiên nhiên Cửu Trại Câu là một trong những danh thắng nổi tiếng vào bậc nhất của Trung Quốc. Khu bảo tồn thiên nhiên Cửu Trại Câu được hình thành trên dãy núi đá vôi, nổi tiếng nhờ hệ thống các hồ đa sắc và các thác nước nhiều tầng.
Ngay từ trước khi được Unesco công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, Cửu Trại Câu đã vô cùng nổi tiếng. Nơi đây luôn nằm trong danh sách những khu du lịch nổi tiếng nhất của Trung Quốc và được New York Times xếp trong danh sách “1000 nơi phải đến trước khi chết”.
Nẳm ở độ cao 4.000m so với mực nước biển, không khí ở khu bảo tồn này khá loãng, nhiệt độ cao nhất cũng chỉ đến khoảng 20 độ C vào tháng 7, tháng 8. Nhiệt độ lúc thấp nhất vào tháng 1 xuống -1 độ C. Cũng chính bởi khí hậu đó đã tạo nên một không gian khoáng đạt, đa sắc, đa âm, cảnh sắc hút hồn du khách ngay từ những bước chân đầu tiên.
Khu bảo tồn thiên nhiên Cửu Trại Câu được quy hoạch rất chi tiết để phục vụ cho du lịch. Trong khu bảo tồn có tổng cộng 9 khu vực nhưng chỉ có 3 khu vực mở cửa cho khách thăm quan gồm: Thụ Chính Câu: Tê Ngưu Hải (hồ tê giác), Lão Hổ Hải (hồ Cọp), Lô Vĩ Hải (hồ lau), Ngọa Long Hải (hồ rồng nằm), Bãi Bàn Cảnh v.v
Trắc Tra Oa Câu: Trường Hải (hồ dài), Ngũ Sắc Trì (hồ năm màu), Thượng Quý Tiết Hải, Hạ Quý Tiết Hải.
Nhật Trắc Câu: Rừng nguyên sinh, Kiếm Nham Huyền Tuyền (suối Kiếm Nham), Thiên Nga Hải (hồ thiên nga), Tiên Trúc Hải (hồ trúc), Hùng Mao Hải (hồ gấu trúc), thác Hùng Mao, thác Trân Châu, thác Nặc Nhật Lang.
Trong khu bảo tồn có một hồ nước rộng, lòng hồ sâu trung bình khoảng 10 mét, điều đặc biệt là mặt nước tĩnh lặng của hồ có thể phản chiếu rất nhiều màu sắc bởi vậy mà khu vực xung quanh hồ luôn mê hoặc lòng người bởi vẻ đẹp hơn cả tranh thủy mặc. Điều kì diệu của tạo hóa là dù đứng ở góc độ nào đi nữa thì cảnh vật cũng vẫn rất quyến rũ mê hoặc bởi thế mà danh thắng này đã được rất nhiều đoàn làm phim khai thác mà mới đây nhất là bộ phim truyền hình theo tác phẩm kinh điển Tây Du Ký. Thời điểm đẹp nhất thăm Cửu Trại Câu là vào mùa thu khi lá rừng chuyển màu rực rỡ, kỳ ảo quang cảnh trở nên sinh động đầy màu sắc.
Trước khi, Cửu Trại Câu được biết đến với biệt danh “thiên đường nơi hạ giới” với những ngọn núi tuyết phủ trắng xóa, những cánh rừng thông trùng điệp và hàng trăm ghềnh thác, hồ nước đầy màu sắc quyến rũ. Được hình thành trên vùng núi đá vôi trầm tích, Cửu Trại Câu có hàng trăm hồ nước lớn nhỏ và khoảng 100 ghềnh thác lớn nhỏ đẹp như tranh vẽ. Cửu Trại Câu còn đặc biệt bởi nơi đây có 9 ngôi làng của người Tạng nên nơi đây còn được gọi là Cửu Trại. Toàn bộ diện tích của khu bảo tồn vào khoảng 60.000 ha, nằm ở độ cao khoảng 2.500 mét so với mực nước biển.
Bên cạnh cảnh sắc như chốn bồng lai tiên cảnh, Cửu Trại Câu còn nổi tiếng bởi nơi đây có một hệ động thực vật hoang dã vô cùng phong phú, đồng thời là khu bảo tồn thiên nhiên khá hoàn chỉnh của Trung Quốc. Nếu chưa tận mắt ngắm nhìn cảnh sắc, nhất là những hồ nước như pha lê phản chiếu nhiều màu sắc của hoa lá, cây cỏ của Cửu Trại Câu, chắc chắn tất cả đều nghĩ đây là hình ảnh được chỉnh sửa, tô vẽ bằng công nghệ chứ không thể là cảnh thật.
Sớm được chú ý bởi cảnh sắc kỳ thú tuyệt đẹp, năm 1990 khu bảo tồn Cửu Trại Câu được xếp vào danh sách 40 khu du lịch đẹp nhất của Trung Quốc. Năm 1992, Cửu Trại Câu được Unesco công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Năm 1997, Cửu Trại Câu tiếp tục được Unesco đưa vào danh sách các khu bảo tồn đa dạng sinh học thế giới với vị trí thứ 5 về tầm quan trọng.
Hiện nay, Cửu Trại Câu là một trong những điểm du lịch thu hút khách nhất tại Trung Quốc, ước tính trung bình mỗi ngày khu bảo tồn Cửu Trại Câu có đến hơn 20.000 lượt khách thăm quan. Con số đáng kinh ngạc chứng tỏ sự hấp dẫn đặc biệt của điểm du lịch này mặc dù vé thăm quan Cửu Trại Câu hiện nay đang thuộc loại đắt nhất tại Trung Quốc.