Một loài kiến có nguồn gốc từ vùng Biển Đen đã xâm chiếm hơn 100 khu vực ở châu Âu và đang tiến về phía bắc. Nếu không bị ngăn chặn, chúng sẽ tràn vào miền bắc nước Đức, bán đảo Scandinavia và thậm chí cả nước Anh.
Kiến Lasius neglectus. Ảnh: antweb.org. |
Lasius neglectus có ngoại hình khá giống với loài kiến đen mà chúng ta thường gặp ngoài vườn, nhưng tổ của chúng có số lượng kiến thợ gấp hàng trăm lần kiến đen. Chúng thường định cư ở các công viên và vườn nhà sau khi tàn sát những loài kiến địa phương.
"Khi nhìn thấy Lasius neglectus lần đầu tiên, tôi không thể tin vào mắt mình. Chúng sinh sôi rất nhanh và có thể tạo ra nhiều tổ trên cùng một bãi cỏ", Jacobus J. Boomsma, chuyên gia thuộc Đại học Copenhagen (Đan Mạch), phát biểu.
Các tổ của kiến Lasius neglectus được liên kết với nhau để tạo thành một mạng lưới. Mỗi tổ có một con chúa và chúng không bao giờ ngoi lên mặt đất. Loài kiến này không biết bay. Vậy chúng sang lục địa khác bằng cách nào? Câu trả lời rất đơn giản: Chúng chui vào những cây mà con người mang lên các tàu vượt đại dương.
"Trong tương lai, con cháu chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự bành trướng của nhiều loài kiến. Vì thế đã đến lúc chúng ta cần hiểu rõ về chúng để tìm ra phương án đối phó", Jes S. Pedersen, một chuyên gia sinh thái của Đại học Copenhagen, Đan Mạch nhận định.
Kiến có khả năng sống ở mọi nơi trên Trái đất vì chúng có khả năng thích nghi cực cao. Chẳng hạn, những loài kiến sống ở khu vực đô thị có thể chịu được nhiệt độ lớn - một đặc trưng của các thành phố. Giới khoa cho rằng có khoảng 20.000 loài kiến trên khắp hành tinh. Khối lượng của kiến ở khu vực Amazon thuộc Brazil có thể gấp 4 lần tổng khối lượng của tất cả động vật có vú, chim, động vật bò sát và động vật lưỡng cư tại đó.
Khi tới một khu vực mới, kiến trở nên hung dữ và gây nên những tác động có hại đối với hệ động vật và thực vật bản xứ. Mỗi năm nước Mỹ mất khoảng 750 triệu USD vì những thiệt hại mà kiến lửa gây nên. Tại California, những đội quân của loài kiến lửa Argentina hùng hậu đã đẩy phần lớn kiến địa phương vào tình trạng tuyệt chủng.