Xe lửa "xanh" tại châu Âu

  •  
  • 1.707

Đường hầm năng lượng Mặt trời (Solar Tunnel) đầu tiên của châu Âu đã được chính thức khai thông tại Bỉ, với mục tiêu cung cấp năng lượng sạch cho các xe lửa nối liền châu lục này.

>> Đêm: Nhà máy năng lượng mặt trời phát điện!
>> Du thuyền chạy bằng pin Mặt trời lớn nhất thế giới
>> Thắp sáng bằng công nghệ điện mặt trời

Đường hầm năng lượng Mặt trời tại Bỉ
Đường hầm năng lượng Mặt trời tại Bỉ - Ảnh: Guardian

Đến đầu tuần này, những chuyến xe lửa tốc độ cao xuyên quốc gia nối liền Paris và Amsterdam đã trở thành xe lửa đầu tiên tại châu Âu sử dụng năng lượng Mặt trời.

Khi chui qua Solar Tunnel, hệ thống điện trên các xe lửa sẽ tự động chuyển sang sử dụng năng lượng Mặt trời bên trong đường hầm, giúp giảm nhiên liệu và chi phí giao thông, AFP dẫn lời giám đốc Steven De Tollenaere của công ty chịu trách nhiệm dự án Enfinity.

Với chi phí xây dựng 15,6 triệu euro, Solar Tunnel có chiều dài 3,6 km, chạy vắt qua Antwerp ở miền bắc Bỉ. Tổng cộng có đến 16.000 bảng điện Mặt trời đã được sử dụng để bao phủ diện tích 50.000m2 của đường hầm, gấp 8 lần sân bóng đá.

Theo công suất thiết kế, các bảng năng lượng sẽ sản xuất 3.300 megawatt/giờ điện năng, tương đương với lượng điện tiêu thụ trung bình của gần 1.000 hộ gia đình. Hãng chuyên về năng lượng thay thế Enfinity cam đoan Solar Tunnel sẽ giúp loại bỏ được 2.400 tấn CO2 mỗi năm, nhưng vẫn đủ năng lượng để cung cấp cho 4.000 chuyến xe lửa/năm.

Bên cạnh công dụng cung cấp năng lượng, đường hầm đóng vai trò làm lá chắn, bảo vệ các đoàn tàu khỏi tình trạng cây ngã đổ đè lên đường ray hoặc toa tàu trong lúc di chuyển, do Solar Tunnel chạy xuyên rừng già của Antwerp.

Enfinity hy vọng dự án này sẽ là bước đệm để họ nhân rộng mô hình xe lửa xanh tại Mỹ và các nơi khác trên thế giới. Hiện chiến dịch gây quỹ và cổ súy cho tuyến xe lửa tốc độ cao nối liền Tucson và Phoenix, bang Arizona, đang được phát động tại Mỹ.

Trong khi đó, tại Ý, Liên minh châu Âu đang tài trợ cho một dự án chế tạo xe lửa gắn bảng điện Mặt trời trên nóc các toa, với mục tiêu cung cấp năng lượng cho hệ thống điều hòa của tàu. Còn tại Pháp, giới hữu trách đang nghiên cứu công nghệ tương tự để cung cấp năng lượng cho hệ thống chiếu sáng và điều hòa trên tàu ở vùng Poitou Charentes.

Theo Thanh Niên
  • 1.707