Những khối đá dưới biển Yonaguni Jima ở xứ hoa anh đào từ lâu đã khiến các nhà khoa học bối rối. Mới đây, một chuyên gia tuyên bố chúng thực ra là phế tích của Atlantis - một thành phố cổ bị động đất đánh chìm khoảng 2.000 năm trước.
Đó là tuyên bố của Masaaki Kimura, một nhà địa chất biển tại Đại học Ryukyus, Nhật Bản, sau hơn 15 năm lặn xuống khu vực này để đo đạc và tìm hiểu sự hình thành của nó. Cứ mỗi lần lặn xuống, Kimura cho biết ông lại càng thêm tin tưởng rằng dưới chân mình là di tích của một thành phố cổ 5.000 năm.
Những cấu trúc đá kỳ lạ dưới biển Nhật Bản, trông như phế tích của kim tự tháp. (Ảnh: National Geography)
"Cấu trúc lớn nhất trông giống như một kim tự tháp bậc thang, làm bằng đá nguyên khối, nhô lên ở độ sâu 25 mét", Kimura trình bày giả thuyết mới nhất của mình tại một hội thảo khoa học hồi tháng 6 vừa qua. Nhưng không giống các câu chuyện khác về những thành phố chìm, khẳng định của Kimura đã gây ra nhiều tranh cãi.
Một số nhà khoa học tin rằng chúng thực ra là phế tích của Atlantis.
"Tôi không tin rằng bất kỳ cấu trúc hoặc hình khối lớn nào ở đó là các bậc thang nhân tạo, chúng đều là tự nhiên cả", Robert Schoch, giáo sư về khoa học và toán học tại Đại học Boston, người từng lặn xuống khu vực này, nhận định.
"Đó chỉ là những tầng đá cát, có xu hướng đứt gẫy trên một mặt phẳng dài, và tạo ra những rìa rất thẳng, đặc biệt ở trong vùng có nhiều đứt gãy và các hoạt động địa chấn", ông giải thích.
Cấu trúc lớn nhất trông giống như một kim tự tháp bậc thang, làm bằng đá nguyên khối.
Ngoài ra, ngay cả Tổ chức Văn hoá của chính phủ Nhật Bản cũng như chính quyền quận Okinawa đều không coi các dấu tích tại Yonaguni là một di sản văn hoá quan trọng. Cả hai cơ quan này đều chưa từng thực hiện các nghiên cứu hoặc bảo tồn tại khu vực này.
Có phải phế tích hay không?
Yonaguni Jima là một hòn đảo nằm gần cực nam của bán đảo Ryukyu của Nhật. Một thợ lặn địa phương lần đầu phát hiện ra phế tích ở đây vào năm 1986. Ngày nay, khách du lịch có thể lặn xuống xem miễn phí.
Một vài chuyên gia tin rằng cấu trúc dưới biển này có thể là phần còn lại của Mu, một nền văn minh Thái Bình Dương trong truyền thuyết mà theo lời đồn là đã bị sóng biển nhấn chìm.
Kimura cũng cho biết, ấn tượng ban đầu của ông rằng các cấu trúc này là tự nhiên. Nhưng ông đã thay đổi quan điểm sau lần lặn đầu tiên. "Tôi nghĩ rất khó để giải thích nguồn gốc của chúng là tự nhiên thuần tuý, vì có quá nhiều bằng chứng về sự tác động của con người", ông nói. Chẳng hạn, ông đã tìm thấy những dấu vết mài xẻ trên đá, các ký tự thô sơ trên những khuôn mặt khắc và các mẩu đá được mài đẽo giống hình các con vật.
Dù cho ai đã tạo ra thành phố này, thì hầu hết nó đã chìm trong một chấn động lớn, điều vốn quen thuộc ở vành đai Thái Bình Dương, Kimura nói.
Nền văn minh vĩ đại thời tiền sử?
Sau nhiều năm nghiên cứu sự hình thành của khu tàn tích này, các nhà khoa học Nhật bản đã đi tới kết luận đáng kinh ngạc rằng: đây là dấu tích của một nền văn minh cao cấp cổ xưa, là một thành phố cổ bị động đất đánh chìm khoảng 12.000 năm trước.
Các thợ lặn đã phát hiện ra những con đường dài, những đại lộ lớn, những cấu trúc cầu thang lớn, những cấu trúc cổng tò vò, các khối đá khổng lồ được đẽo gọt chính xác và tỉ mỉ. Cầu thang khổng lồ ở nơi đây đã được xây dựng từ một loạt các lớp đá cao 1m, giống như bậc thang kim tự tháp.
Các nhóm chữ tượng hình được tìm thấy chỉ ra rằng những người xây dựng các tàn tích dưới đáy biển này thuộc về một nền văn minh rất tiến bộ.
Các giám định niên đại cho thấy cấu trúc này có thể ra đời vào khoảng 8.000 đến 10.000 năm TCN, lâu đời hơn bất cứ nền văn minh nào đã được biết đến.
Đến nay, giới nghiên cứu vẫn chưa xác định được chủ nhân của kim tự tháp bí ẩn này. Các nhà khảo cổ học tại Trường Đại học London tin rằng những người xây dựng nên công trình này có trình độ còn vượt trên các nền văn minh Lưỡng Hà và sông Ấn.
Sự hiện diện của công trình cũng củng cố giả thuyết về sự tồn tại của một nền văn minh vĩ đại từ thời tiền sử, đã bị xóa khỏi ký ức con người sau một trận đại hồng thủy.