Kim tự tháp xây từ các khối đá... giả!

Theo các chuyên gia Ai Cập học, khu vực Maadi là nơi cung cấp đá cho công trình xây dựng các kim tự tháp. Nhưng thành phần hoá học của đá vôi ở đây lại khác hẳn so với các mẫu đá trích ra từ các kim tự tháp.

Năm 2001, tạp chí Science & Vie của Pháp đã đưa ra một giả thuyết gây tranh cãi: các kim tự tháp ở Gizeh (Ai Cập) không được dựng lên từ các khối đá lấy từ thiên nhiên và được đẽo gọt công phu, mà thật ra là từ những khối bêtông đúc sẵn! Rồi 5 năm sau, một nhà vật lý và một chuyên gia về vật liệu đã khẳng định thêm ý kiến này. Vậy, phải chăng từ thuở xa xưa, Ai Cập đã từng có một đội ngũ những nhà hoá học kiệt xuất?

Khoa học đang "dấn thân" vào chuyên ngành Ai Cập học: một vài mẫu đá tảng, ít ra nhìn bề ngoài là như vậy, lấy ra từ kim tự tháp và được một số nhà khoa học đem đi đối chiếu cẩn thận với nhiều mẫu đá khác nhau lấy từ một vài khu vực gần nơi xây dựng các công trình uy nghiêm và tráng lệ này. Kết quả: hai mẫu vật có sự khác biệt nhau rất cơ bản. Và nghi vấn đã phát sinh!

Từ nhiều thập niên nay, thậm chí từ bao thế kỷ nay, đã có nhiều ý kiến vẫn quả quyết rằng các kim tự tháp tại Gizeh thật ra đã được xây dựng nên từ chất liệu đá vôi được xử lý hoá học và được đúc khuôn để có được những khối "đá" đồ sộ như chúng ta thấy ngày nay. Những năm gần đây, nhiều chuyên gia về vật liệu rất quan tâm vấn đề này. Họ đã quan sát, phân tích các mẫu đá và đã đúc kết ý kiến rằng, các thợ thủ công của các pharaon Ai Cập rất thành thạo về nghệ thuật chế tác đá nhân tạo!


(Ảnh: Discovery)

Theo các chuyên gia này, người Ai Cập khi đó đã biết dùng các phương pháp xử lý hoá học để làm ra một chủng loại "bêtông" được gọi là geopolymer để xây lăng mộ cho các vị vua của mình. Song đến nay, vẫn có nhiều sử gia nghiên cứu về Ai Cập luôn bảo vệ quan điểm riêng khi cho rằng vật liệu để xây nên các kim tự tháp chính là những khối đá tảng tự nhiên được lấy từ khu vực Toura và Maadi gần cao nguyên Gizeh và đã được đẽo gọt rất công phu bằng tay. Cuộc tranh luận vẫn chưa có hồi kết.

1- Dù các góc cạnh không đồng đều, nhưng dường như các khối đá đã được sắp xếp rất khớp với nhau. Vậy bằng cách nào mà các khối đá tự nhiên nặng nhiều tấn lại có thể được gọt giũa tỉ mỉ đến vậy? Hình ảnh này tạo ngay cảm giác của một công trình hoàn toàn được làm từ các khối "bêtông" đổ khuôn hơn là từ những tảng đá tự nhiên

Đá tự nhiên hay đá nhân tạo? Nay đến lượt một nhà vật lý chuyên về khoa học vật liệu thuộc Viện Nghiên cứu hàng không vũ trụ tại Châtillon (Pháp) và một giáo sư chuyên ngành vật chất thuộc Đại học Drexel (Philadelphia, Hoa Kỳ) đã đứng ra xem lại vấn đề. Sau đó, hai nhà khoa học Gilles Hug và Michel Barsoum đã khẳng định rằng một phần trong nhiều khối đá xây dựng các kim tự tháp lớn ở Gizeh đã được làm từ vật liệu là đá vôi thiên nhiên nhưng được con người xử lý hoá học và sau đó được nén lại thành những khối lớn.

Bắt đầu từ dấu vết của một phản ứng hoá học

Giáo sư Gilles Hug trình bày: "Chúng tôi đã so sánh thành phần cấu tạo của các mẫu đá vôi tự nhiên lấy từ khu vực Toura và Maadi với các mẫu đá của kim tự tháp Kheops, và đã phát hiện ra một số dấu hiệu bất thường". Theo ông, đầu tiên là: thành phần cấu tạo của phiến đá ở kim tự tháp phức tạp hơn nhiều so với đá tự nhiên. Điều này cũng trùng hợp với nhận định của một số tác giả đã nghiên cứu vấn đề này vào năm 2002, cho rằng một số vi chất của đá ở kim tự tháp có dấu vết còn sót lại của một phản ứng hoá học nhanh, có nghĩa là nền đá này không phải là đá thật được hình thành sau một quá trình kết tinh tự nhiên.

Họ đã giải thích thêm rằng, nếu là đá lấy từ thiên nhiên và được đẽo gọt thì chắc chắn bên trong nền đá sẽ không thể có một dạng phản ứng hoá học nhanh diễn ra. Nhưng nếu các tảng đá này được bàn tay con người pha trộn từ dạng bột rồi hoà vào nước để có dạng lỏng và cuối cùng cho đông cứng lại trong khuôn, tựa như quá trình chế tạo bêtông, thì dạng phản ứng hoá học nhanh này hoàn toàn có khả năng xảy ra.

Cũng vẫn ý kiến của GS Gilles Hug: "Do vậy, các tảng đá được dùng làm  "áo" phủ bên ngoài kim tự tháp Kheops có hàm lượng silicium cao hơn nhiều so với các mẫu đá tự nhiên lấy từ khu vực Toura, nơi được cho là đã cung cấp vật liệu để xây dựng kim tự tháp này. Các khối đá bên ngoài đó cũng chứa một số lượng lớn chất magnesium hơn các mẫu đá tự nhiên. Vậy thì, từ những quan sát ban đầu, chúng tôi có được một vài thông số rất thuyết phục, nhưng chúng tôi chưa thể khẳng định một cách tuyệt đối được điều gì".

2- Khe nối giữa các khối đá rất tinh xảo khiến giới chuyên môn luôn nghi vấn: một bên cho rằng đây là tài nghệ của người xưa, còn một số khác bảo đây là kết quả của một sự co rút vật liệu bêtông khi đã khô…

Thêm một điều đáng ngạc nhiên: một vài vi chất trong mẫu đá lấy từ kim tự tháp được cho là "vô định hình", tức "không kết tinh". GS Michel Barsoum trình bày: "Trong đá tự nhiên, sẽ có những thành phần vật chất chỉ có thể kết tinh được sau khi trải qua một khoảng thời gian rất dài. Đó là điều bình thường để một khối đá có thể được tạo thành. Nhưng ở các kim tự tháp đó thì những vi chất đã được tạo thành rất nhanh chóng, chỉ sau một quãng thời gian mà tôi cho là rất ngắn. Có thể chúng đã tự đông cứng lại ở nhiệt độ thấp trước khi có các tinh thể xuất hiện. Hiện tượng này trong tự nhiên là không thể xảy ra, ngoại trừ trường hợp có núi lửa phun trào. Mà núi lửa ở đây là một hiện tượng bị loại trừ. Nói tóm lại, tất cả các dữ liệu trên cho phép chúng tôi nghĩ đến một quá trình xử lý hoá học ở nhiệt độ thấp để có được những tảng đá nhân tạo đó". Cuối cùng, nhà khoa học này đồng ý rằng hẳn nước Ai Cập thời đó đã có được một đội ngũ các nhà hoá học tài ba.

Song đến nay, rất nhiều các chuyên gia về Ai Cập học vẫn tỏ ra hoài nghi. Ông Sydney Aufrère thuộc phân viện nghiên cứu về "tôn giáo và xã hội Ai Cập" của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) cho biết: "Quan điểm của tôi về việc xây dựng kim tự tháp bằng đá tảng tự nhiên là rất thuyết phục. Bởi lẽ ngay tại công trường, người Ai Cập lúc đó đã có đủ nguyên vật liệu tại chỗ, đồng thời có cả một đội ngũ nhân công đông đảo và cả những phương tiện kỹ thuật phù hợp. Vậy tại sao họ lại phải nhọc công phát minh ra những điều gì khác tốn kém hơn?".

Các nhà khoa học vẫn cần thêm nhiều mẫu thử mới

Trên thực tế, không chỉ có các phân tích về địa lý và hoá học mới có thể biện minh cho giả thuyết về những khối đá có lẽ đã được làm ra một cách rất nhân tạo này. Chỉ cần quan sát bên ngoài cũng có thể phần nào giúp giả thuyết này tồn tại. Một dẫn chứng cụ thể: các khe nối giữa các khối đá thật hoàn hảo và câu

3- Mặt trên của nhiều khối đá có cấu tạo như một thể xốp. Theo các chuyên gia về vật liệu, đó chính là kết quả sự trồi lên của bọt khí và các thành phần vật chất nhẹ trong quá trình "bêtông" đông cứng lại

hỏi được đặt ra là: Sẽ giải thích thế nào cho hợp lý về việc các khối đá tự nhiên nặng hàng tấn lại có thể được gọt giũa một cách công phu và tỉ mỉ đến như thế? Đã có ý kiến cho rằng, mỗi một khối đá nhân tạo này đều đã được "đo ni đóng tấc" trước rồi, tức là đã được chế tác trong khuôn đúc, sao cho đúng theo kích thước và vị trí mà các kiến trúc sư lúc đó muốn lắp đặt vào công trình.

Còn khi quan sát trên thực địa, các chuyên gia cho rằng tác động bào mòn thấy được rất rõ ở phần bên trên của các khối đá, trong khi phần đáy thì không. Theo chuyên gia hoá học Joseph Davidovits, giải thích hiện tượng này khá đơn giản: trong quá trình trộn vữa, các vật liệu nặng sẽ lắng xuống đáy. Do đó, phần bên dưới của khối đá sẽ bị "cô đặc" hơn và bị xói mòn ít hơn. Điều này cũng đúng với loại bêtông mà chúng ta sử dụng ngày nay. Vì vậy, hiện nay người ta đã cho thêm vào bêtông tươi một chất phụ gia nhằm ổn định thành phần của hỗn hợp trước khi nó đông cứng. Đây là điều duy nhất mà người Ai Cập lúc đó có lẽ chưa biết đến!

Tuy nhiên, để có thể chứng minh rõ ràng và thuyết phục nhất giả thuyết về các khối đá "giả" của kim tự tháp, đội ngũ các chuyên gia nghiên cứu phải được sự đồng ý của chính quyền sở tại, chính thức cho phép họ đến lấy thêm nhiều mẫu đá cần thiết khác từ nhiều nơi bên trong kim tự tháp để phân tích kỹ lưỡng hơn. Nhưng cho đến nay, hồ sơ xin phép được tiếp tục tiến hành việc thu thập mẫu đá ở các kim tự tháp đã bị chính quyền Ai Cập bác bỏ hoặc cố tình quên đi. Và giới khoa học lại phải chờ thêm một thời gian nữa!

Thử làm bêtông theo cách của người Ai Cập xưa!

Viện nghiên cứu của giáo sư hoá học và Ai Cập học Joseph Davidovits đã tiến hành tái hiện quá trình làm ra "bêtông" để xây kim tự tháp:

1. Sử dụng đá vôi có thành phần giống như đá vôi ở khu vực Gizeh

2. Nguyên liệu đá vôi được nghiền nhỏ và được pha trộn thêm với một vài chất khác như xút, vôi và đất sét có chứa kao-lanh, trong một bể nước có dung tích 2.000 lít

3. Sau 3 - 4 ngày, nước bốc hơi và vật liệu geopolymer được hoàn tất, trông như một hỗn hợp cát và bùn nhão

4. Hỗn hợp này được nén vào khuôn và sẽ tự khô cứng lại sau 10 ngày

5. Sau khi tháo khuôn, các khối "đá" đó sẽ liền khít nhau rất hoàn hảo. Chỉ sau nhiều tháng thì khe hở giữa các khối "bêtông" mới lộ ra

Mạnh Hùng

Cách người Ai Cập làm ra bêtông

1. Khai thác muối từ những dòng sông tạm trong sa mạc sau khi đã khô cạn. Số lượng muối này sau đó được gom lại tại một khu vực riêng

2. Khai thác rừng cây cọ và đốt đi để lấy tro. Tro này rất giàu ôxyt canxi và dùng để trộn thêm vào muối

3. Hỗn hợp tro và muối được hoà vào nước để có được một vật liệu là xút.

4. Sau đó, đá vôi sẽ được cho thêm vào chất xút này để cuối cùng có được một dạng vật liệu xây dựng hoàn chỉnh

5. Hỗn hợp vật liệu xây dựng này sau khi hoàn tất sẽ có dạng như một chất hồ nhão nhưng rất chắc

6. Cuối cùng, muối được cho thêm vào một lần nữa để giảm độ pH trong hỗn hợp xây dựng. Đội ngũ nhân công sẽ chuyển hỗn hợp này đến vị trí cần xây, cho vào cốp pha, đóng khuôn và đợi cho đến khi một khối "bêtông" hoàn chỉnh và có hình dạng như ý đông đặc lại

Theo Sài Gòn tiếp thị
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video