Nhiều quốc gia châu Á như Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia từng hứng chịu những thiệt hại to lớn do mưa lũ và bão gây ra trong quá khứ.
Kinh nghiệm chống ngập lụt tại các quốc gia trên thế giới
Tuy nhiên, các quốc gia này đã đưa ra những giải pháp dài hạn hiệu quả.
Kinh nghiệm chống ngập ở Tokyo
Tháng 9/1958, cơn bão Kanogawa gây thiệt hại nặng nề ở khu vực quanh lưu vực sông Kanda (Nhật) với 38.356 ngôi nhà bị ngập trong nước, gây thiệt hại lớn về người và của.
Trước tình trạng này, chính quyền thành phố Tokyo quyết định xây dựng một bể điều tiết nước lũ dưới lòng đất gồm hai giai đoạn với tổng thời gian thi công 20 năm và chi phí xây dựng 101 tỉ yen (khoảng 839 triệu USD).
Công trình này được đặt tên là sông Kanda/bể nước điều tiết dưới lòng đất số 7, bao gồm một đường ống ngầm dài 4,5km có đường kính bên trong 12,5m.
Nó có khả năng dự trữ lên đến 540.000m3 nước lũ từ ba con sông chính ở thành phố Tokyo trong mùa mưa lũ gồm sông Kanda, sông Myoshoji và sông Zenpukuji.
Đường ống thứ nhất của công trình dài 2km bắt đầu hoạt động vào tháng 4/1997, và đường ống thứ hai (thông với đường ống thứ nhất) dài 2,5km hoạt động vào tháng 9/2005. Công trình này đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc ngăn chặn các thiệt hại do lũ lụt gây ra ở thành phố Tokyo.
Cuối tháng 8, đoàn nhà báo ASEAN được tham quan công trình này. Từ văn phòng xây dựng số 3 của chính quyền đô thị Tokyo ở quận Nakano, đoàn nhà báo chúng tôi được dẫn xuống đường hầm cách đó khoảng 100m.
Chỉ mất một phút bằng thang máy, chúng tôi đã đến vị trí chính của hầm cách mặt đất khoảng 43m. Đó là những đường ống khổng lồ, ẩm thấp.
Đại diện ban quản lý dự án cho biết nhiệt độ trong hầm luôn được giữ ở mức 18oC bất kể thời tiết bên ngoài và lượng oxy luôn bảo đảm được cung cấp đầy đủ cho các nhân viên hoặc khách tham quan.
Vị đại diện này cho biết hệ thống bể điều tiết này bảo đảm nước lũ không tràn sông.
Sơ đồ điều tiết nước từ các con sông để chống ngập cho TP Tokyo - (Đồ họa: Tấn Đạt).
Trong mùa mưa lũ, hệ thống tiếp nhận nước trên ba con sông Kanda, Myoshoji và Zenpukuji mở cửa để tiếp nhận một lượng nước khổng lồ khi mực nước trên các con sông đạt mức báo động.
Sau khi nước rút và mực nước sông trở lại bình thường, hệ thống bơm nước của công trình này sẽ tự động đưa nước từ đây trở lại sông.
Các công trình dưới lòng đất này được thiết kế chống động đất và được bảo dưỡng định kỳ. Hệ thống này chạy tự động nên tiết kiệm chi phí nhân lực. Thường các nhân viên đến kiểm tra hệ thống này một hoặc hai lần mỗi tuần. Trong mùa mưa lũ, sẽ có nhân viên túc trực ở đây.
Ban quản lý dự án cho biết trước đây, mưa lũ gây ngập diện rộng và thiệt hại lớn về người và của. Chẳng hạn như trước khi có đường ống ngầm này, cơn bão nhiệt đới năm 1993 (lượng mưa 288mm) gây thiệt hại nặng nề ở khu vực trung lưu sông Kanda khi làm ngập hơn 85ha và 3.117 ngôi nhà.
Tuy nhiên sau khi công trình được đưa vào sử dụng, cơn bão nhiệt đới tháng 10/2004 với lượng mưa tương tự (284mm) nhưng thiệt hại giảm đáng kể và chỉ có 4ha đất cùng 46 ngôi nhà bị ngập lụt.
Theo ban quản lý dự án, bể nước ngầm này hoạt động chủ yếu vào mùa mưa. Vào mùa khô, nhân viên sẽ lau dọn bùn đọng lại trong đường ống. Chi phí bảo trì đường ống dao động ở mức từ 100-200 triệu yen mỗi năm, bao gồm cả chi phí điện nước, nhân viên.
Vị đại diện này nói thêm ban quản lý dự án thỉnh thoảng mời trẻ em xuống đường hầm để vẽ tranh nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường giữ gìn thành phố cho trẻ em Nhật Bản.
Sau trận lũ lịch sử ở Thái Lan và Campuchia
Ngay sau cơn lũ lịch sử ở thủ đô Bangkok vào năm 2011 khiến 675 người chết, hàng triệu người bị ảnh hưởng và thiệt hại lên đến 15 tỉ USD, thủ tướng Thái Lan thời điểm đó là bà Yingluck Shinawatra công bố một kế hoạch trị giá 9,4 tỉ USD để thực hiện các dự án quản lý và kiểm soát mưa lũ nhằm ngăn chặn những thiệt hại do mưa lũ gây ra trong tương lai.
Theo Aljazeera, các dự án này bao gồm việc trồng cây và xây dựng những con đập dọc các nhánh thượng lưu của sông Chao Praya, trong đó có việc khởi công xây dựng các bể chứa nước ở các lưu vực sông nơi hình thành lũ, xây dựng các kênh tháo lũ ở một khu vực rộng 323.749ha đất nông nghiệp cộng với các hệ thống tưới tiêu, các dự án làm sạch các kênh rạch và xây dựng một hệ thống dữ liệu quản lý nước...
Cũng trong năm 2011, theo adpc.net, có 17.787 gia đình ở 12 quận và 66 xã của tỉnh Siem Reap (Campuchia) bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, 5.339 người được di chuyển để tránh lũ.
Siem Reap hầu như bị ảnh hưởng bởi lũ lụt mỗi năm, cả ở đô thị lẫn nông thôn. Nhưng với sự quyết tâm của chính quyền và người dân, những thiệt hại do mưa lũ gây ra đã được giảm đáng kể.
Báo Phnom Penh Post dẫn lời giám đốc Ban khí tượng học và quản lý nguồn nước Noun Krisna nói hiện tại không có lũ lụt ở Siem Reap vì chính quyền đã cải thiện hệ thống xử lý nước để ngăn lụt lội, đặc biệt là ở các đền chùa.
Một chiến lược xây đập nước đã được chính quyền tỉnh thực hiện vào năm 2012 sau khi Siem Reap, Angkor Thom và quận Banteay Srei chìm trong nước lũ vào tháng 11/2011.
Trong khi đó, người dân ở vùng quê Siem Reap xây móng nhà cao hơn, xây các con đập nhỏ để ngăn dòng lũ và xây lại đường sá trong làng để ngăn lũ.