Trong rừng tự nhiên từ 1.000 đến 1.500 cây dó bầu mới có một cây có trầm và từ 10.000 đến 20.000 cây có trầm mới có một cây có kỳ nam.
Kỳ nam và trầm hương là gì?
Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch tổ chức quốc tế chữa bệnh bằng liệu pháp thiên nhiên tại Việt Nam, cho biết, kỳ nam là loại gỗ quý hiếm có trong tự nhiên. Nó là phần gỗ chứa một lượng lớn chất nhựa thơm được sinh ra từ cây dó bầu (thuộc chi Aquilaria).
Quá trình hình thành của kỳ nam cùng với trầm hương tương tự nhau. Người ta tin rằng sự hình thành trầm là do phản ứng miễn dịch của cây chủ do vết thương hoặc nhiễm trùng. Nó có thể là kết quả của bệnh lý, vết thương.
Dó bầu phải hứng chịu các tác động mạnh mẽ từ tự nhiên hoặc bị sinh vật làm bị thương, như thiên tai gây nứt, gãy cành, bị mục hay chặt đứt, kiến mối đục thân cây làm tổ, nấm bệnh… Vết thương đó phải đọng nước qua một mùa mưa, cây mới bắt đầu tiết ra chất nhựa xung quanh như một cơ chế tự bảo vệ và làm lành vết thương.
Phần màu sẫm, loang lổ chính là là phần chứa trầm hương trên cây gỗ. (Ảnh: M.K).
Vùng gỗ được gọi chung là trầm ấy sẽ bao gồm kỳ nam và trầm hương. Cũng có một số người cho rằng trầm hương được tạo thành do cây dó đầu bị tổn thương còn kỳ nam là cây dó bầu tự tích lũy nhựa và tinh dầu không do tổn thương.
Theo TS Giang, ở Trung Quốc, kỳ nam được coi là loại trầm hương có chất lượng tuyệt vời nhất do nồng độ nhựa cao và mùi thơm tinh tế dễ dàng ngửi được mà không cần đốt, đắt hơn hàng chục lần so với trầm hương thông thường. Kỳ nam là phần gỗ mềm, quánh dầu do có hàm lượng tinh dầu rất lớn.
Tinh dầu của kỳ nam có màu đỏ, dẻo sánh như sáp mật, ngửi có hương thơm tự nhiên nhẹ nhàng và bền bỉ. Phần gỗ kỳ nam có đặc tính chìm trong nước do có trọng lượng riêng cao.
Những giá trị của trầm hương và kỳ nam
Hương và nước hoa được sản xuất từ trầm hương đã có giá trị trong nhiều thế kỷ và được nhiều nền văn hóa sử dụng cho mục đích tâm linh. Trầm hương rất được tôn kính trong các văn bản tinh thần của Ấn Độ giáo, Kitô giáo, Phật giáo và Hồi giáo.
Ý nghĩa tâm linh của trầm đã được nhấn mạnh trong các văn bản cổ thường được gọi là "tinh thần của sự sống" và được sử dụng như một làn khói thơm để kết nối tâm linh với thiên đường và làm lễ vật trong quá trình thờ cúng thần thánh.
Việc sử dụng trầm hương trong lịch sử lâu đời đã gắn liền với các nền văn hóa nơi nó đã ăn sâu vào trải nghiệm văn hóa, như Trung Đông, Ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản. Trầm hương luôn được coi là một trong những loại được đánh giá cao nhất vì được sử dụng làm nền tảng cho hương, nước hoa, các sản phẩm thơm khác và các chế phẩm y tế.
Việc sử dụng trầm hương trong y tế đã được ghi lại trong y văn Hy Lạp, La Mã, Trung Quốc, Trung Đông và Châu Âu. Việc sử dụng trầm hương trong các bài thuốc Đông y cùng thời cũng đã được ghi nhận. Y học cổ truyền sử dụng nó như một loại thuốc an thần, giảm đau, hỗ trợ tiêu hóa và hành khí tự nhiên.
Nhu cầu và buôn bán trầm hương vẫn tiếp tục cho đến ngày nay và với sự giàu có ngày càng tăng ở các nước tiêu dùng trong những thập kỷ gần đây, nhu cầu vượt quá cung. Điều này dẫn đến giá cả tăng lên, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, giảm chất lượng sản phẩm, tăng sự quan tâm đến trồng trọt và phát triển các phương pháp cảm ứng nhựa.
Thành phần hóa học và tác dụng dược lý
TS Giang cho biết thêm, trầm hương được coi là sản vật gỗ quý giá nhất được sử dụng làm nước hoa cũng như thuốc. Chất lượng của trầm hương đóng vai trò quan trọng trong việc xác định giá trị thương mại của nó, đặc biệt kỳ nam là loại Trầm chất lượng cao và quý hiếm nên giá trị rất lớn.
Đến nay, hơn 250 hợp chất đã được xác định, chủ yếu là sesquiterpenoid, chromone và các hợp chất thơm dễ bay hơi. Mùi thơm của trầm hương là một hỗn hợp phức tạp của nhiều thành phần dễ bay hơi, tạo nên hương thơm độc đáo.
Các chất chiết xuất thô và một số hợp chất phân lập có đặc tính chống dị ứng, chống viêm, chống tiểu đường, chống ung thư, chống oxy hóa, chống thiếu máu cục bộ, chống vi khuẩn, bảo vệ gan, nhuận tràng và bảo vệ hệ thần kinh. Đây là những tác dụng dược lý được hàng loạt các nghiên cứu trên thế giới báo cáo, chứng minh tác dụng của trầm hương trong y học cổ truyền.
Trầm hương được sử dụng trong một số cộng đồng dân tộc khác nhau, với phần lớn công dụng chữa bệnh của nó liên quan đến việc chống viêm và các hoạt động liên quan. Ví dụ nó được sử dụng để điều trị thấp khớp tại Bangladesh, Indonesia.
"Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu dược lý của cây trầm hương đang được thực hiện trên các chiết xuất thô và còn rất hạn chế trên các hợp chất được phân lập. Trầm hương được coi là an toàn dựa trên liều lượng thử nghiệm. Tuy nhiên, khói khi đốt của trầm hương có độ an toàn ra sao vẫn cần có nhiều nghiên cứu hơn nữa", TS Giang lưu ý.
Tại Trung Quốc, nó được dùng để chữa tiêu chảy, kiết lỵ, nôn mửa, chán ăn, bệnh về răng miệng, liệt mặt, run rẩy, bong gân, gãy xương, thấp khớp, tim mạch rối loạn, ho, hen suyễn, bệnh phong, đau đầu, bệnh gout và viêm khớp. Nhật Bản, nó có tác dụng nhuận tràng và an thần.
Tại Hàn Quốc, trầm hương được dùng để chữa ho, viêm thanh khí phế quản, hen suyễn, thuốc bổ, an thần, long đờm…