Chỉ rửa thì không thể làm sạch hoàn toàn rau quả. Một phần dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vẫn đọng lại trên bề mặt rau quả. Cách duy nhất là bạn phải gọt vỏ.
Theo đó, một nhóm các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã công bố kết quả chi tiết các thí nghiệm để chứng minh thuốc bảo vệ thực vật vẫn có thể bám lại trên thực phẩm sau khi rửa.
Chỉ rửa thì không loại bỏ được hết thuốc bảo vệ thực vật. (Ảnh minh họa: Getty).
Họ đã thiết kế một quy trình theo dõi thuốc bảo vệ thực vật trên rau quả, sử dụng màng cellulo nano và nano bạc (NWCM-Ag) và phát hiện ra rằng chỉ rửa thì không loại bỏ được hết thuốc.
Bằng kỹ thuật soi chụp sử dụng lớp NWCM-Ag, nhóm nghiên cứu kết luận thuốc bảo vệ thực vật có thể xâm nhập qua vỏ vào đến lớp cùi và cách duy nhất giúp giảm bớt ô nhiễm thuốc là gọt vỏ.
Nghiên cứu này là một trong những hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm, hướng dẫn cho người tiêu dùng cách bảo vệ sức khỏe. Theo các nhà nghiên cứu, trước đây phương pháp rửa kỹ được khuyến nghị để loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật nhưng giờ đây họ đề xuất gọt bỏ vỏ mới loại bỏ được gần hết dư lượng thuốc.
Kết quả nghiên cứu này cũng đồng quan điểm với các phát hiện của Báo cáo Tiêu dùng hồi tháng 5/2024, cho biết 20% trong số 59 loại trái cây và rau củ có dư lượng thuốc ở mức độ đáng kể. Báo cáo này dựa trên dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ.
Báo cáo thường niên Chương trình số liệu thuốc bảo vệ thực vật năm 2022 của Bộ Nông nghiệp Mỹ kết luận 99% thực phẩm được kiểm tra có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nằm trong mức cho phép. Tuy nhiên, Báo cáo Tiêu dùng cho rằng mức cho phép mà các cơ quan chính phủ quy định là quá cao.
Nếu bỏ qua các quy định của pháp luật về các mức độ thế nào là an toàn hay được phép, bạn có thể thấy việc rửa bằng nước không thể loại bỏ hết dư lượng thuốc, và quyết định là ở bạn về việc có gọt vỏ hay không trước khi ăn.