Lần đầu phát hiện hạt vi nhựa trong sữa mẹ

Sự tồn tại của hạt vi nhựa trong sữa mẹ là hồi chuông báo động về mức độ phổ biến của loại hạt độc hại này trong môi trường sống của con người.

Mối đe dọa từ hạt vi nhựa đã tăng lên mức độ báo động mới sau khi các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện sự tồn tại của chúng trong sữa mẹ. Điều này đồng nghĩa sức khỏe của trẻ sơ sinh có khả năng trực tiếp bị ảnh hưởng bởi sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng tốt nhất trong năm đầu đời, theo Guardian.

Hồi chuông báo động

Theo các nhà khoa học, trẻ sơ sinh đặc biệt nhạy cảm và dễ bị tổn thương trước các chất ô nhiễm hóa học. Dù vẫn cần thêm các nghiên cứu khác để làm rõ, các chuyên gia nhấn mạnh sữa mẹ, nguồn thức ăn tốt nhất cho trẻ, lại đang có nguy cơ trở thành mối hiểm họa cho trẻ nhỏ.

Kết luận trên được đưa ra sau các nghiên cứu của nhóm nhà khoa học Italy trên sữa mẹ. Nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí Polymers.

Mẫu sữa được thu thập từ 34 phụ nữ trưởng thành trong thời gian một tuần sau khi sinh con ở thủ đô Rome. Theo đó, hạt vi nhựa được phát hiện trong 75% số mẫu sữa.


75% mẫu sữa mẹ thu thập chứa hạt vi nhựa. (Ảnh: Guardian).

Theo nghiên cứu của nhóm khoa học Italy, mẫu sữa thu thập chứa các hạt vi nhựa gồm polyethylene, PVC và polypropylene, tất cả đều có trong các loại bao bì phổ thông.

Các nhà khoa học không nhận diện được các hạt nhỏ hơn 2 micron, tuy nhiên họ tin rằng nhiều khả năng các hạt nhựa nhỏ hơn kích thước ấy có tồn tại trong mẫu sữa thu thập.

Quá trình thu thập và xử lý mẫu sữa cũng được thực hiện trong môi trường không nhựa để bảo đảm tính chính xác của nghiên cứu.

Các nhà khoa học nhận thấy các bà mẹ tham gia điều tra sử dụng thức ăn, đồ uống trong hộp nhựa, hải sản, cũng như sử dụng các sản phẩm vệ sinh cá nhân có chứa nhựa. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu chưa tìm thấy mối tương quan trực tiếp của các nguồn này với sự tồn tại của hạt vi nhựa.

Điều này đồng nghĩa sự tồn tại của hạt vi nhựa trong môi trường đã phổ biến đến mức con người không thể tránh tiếp xúc với hạt vi nhựa.

Các nghiên cứu trước đó cho thấy tác động độc hại của hạt vi nhựa có trong các loại mô tế bào người, động vật, thủy sinh vật. Nhựa mang theo những hóa chất độc hại cho con người, một trong đó là phthalate.

Năm 2020, các nhà nghiên cứu cũng từng phạt hiện hạt vi nhựa trong nhau thai của con người, theo Global News.

"Bởi vậy, bằng chứng hạt vi nhựa xuát hiện trong sữa mẹ càng làm gia tăng sự lo ngại về an toàn của trẻ sơ sinh", tiến sĩ Valetina Notarstefano, Đại học Politecnica delle Marche, nói.

Bà Notarstefano cho biết việc nghiên cứu cách thức giảm tiếp xúc với các loại hạt vi nhựa trong thời gian mang thai và cho con bú là cực kỳ quan trọng trong bảo vệ trẻ em.

Chuyên gia người Italy cũng nhấn mạnh việc cho trẻ sơ sinh bú sữa mẹ vẫn có những lợi ích tuyệt đối so với những bất lợi do sự hiện diện của hạt vi nhựa trong sữa mẹ.

"Những nghiên cứu của chúng tôi không thể là lý do để giảm bú sữa mẹ ở trẻ nhỏ, thay vào đó chúng nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng để gây sức ép lên các chính trị gia, buộc họ ban hành quy định giảm thiểu ô nhiễm", tiến sĩ Notarstefano khẳng định.

Theo các nghiên cứu mới đây, trẻ em uống sữa đóng chai cũng có nguy cơ nuốt phải hàng triệu hạt vi nhựa mỗi ngày. Đồng thời, sữa bò cũng chứa hạt vi nhựa.

Phần nổi của tảng băng chìm

Con người mỗi ngày thải một lượng rác thải nhựa khổng lồ vào môi trường, khiến hạt vi nhựa xâm nhập vào mọi ngóc ngách của hành tinh, từ đỉnh Everest tới nơi sâu nhất của đại dượng.

Thông qua đồ ăn, thức uống, thậm chí cả việc hít thở, con người đưa hạt vi nhựa vào cơ thể. Bằng chứng là hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong phân của người lớn, thậm chí cả trẻ sơ sinh.


Hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong máu người, nhau thai, phân của trẻ sơ sinh. (Ảnh: Guardian).

"Chúng tôi khuyến cáo các bà mẹ có thai cực kỳ cẩn thận tránh các loại thực phẩm và đồ uống được đóng trong bao bì nhựa, mỹ phẩm và kem đánh răng chứa hạt vi nhựa, các loại quần áo làm từ vải tổng hợp", bà Notarstefano nói.

Hồi tháng 3, nhóm nghiên cứu Đại học Amsterdam do Giáo sư Dick Vethaak dẫn đầu đã tìm thấy hạt vi nhựa trong máu con người, theo National Geographic.

Giáo sư Vethaak cho biết nghiên cứu mới đây cung cấp bằng chứng ban đầu hạt vi nhựa có trong sữa mẹ, tuy nhiên vẫn cần có thêm những nghiên cứu, sử dụng mẫu số lớn hơn, với cách tiến hành khác để khẳng định chắc chắn.

"Chúng ta hiện mới chỉ nhìn thấy đỉnh của tảng băng chìm mang tên hạt vi nhựa. Các hạt nhựa kích thước nhỏ hơn thường phổ biến và độc hại hơn. Tuy nhiên, việc phân tích các hạt nhựa siêu nhỏ trong những thứ phức tạp như sữa mẹ hiện còn rất khó khăn", giáo sư Vethaak nói.

Chuyên gia người Hà Lan cũng cho biết hiện giới khoa học chưa có nhiều thông tin về tác động tiềm tàng của hạt vi nhựa và các chất ô nhiễm chúng mang theo đối với trẻ sơ sinh bú sữa mẹ.

Bởi vậy, ưu tiên cấp thiết hiện nay là tiến hành thêm nhiều nghiên cứu ở trẻ sơ sinh và trẻ mỏ, đối tượng dễ bị tổn thương nhất khi tiếp xúc với các hạt vi nhựa và chất hóa học độc hại, ông Vethaak nói.

Cập nhật: 12/10/2022 Zing
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video