(khoahoc.tv) - Để trả lời câu hỏi này, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Connecticut, Mỹ đang tiến hành kế hoạch nghiên cứu gene của Adam Lanza, kẻ đã xả súng liên tiếp vào trường tiểu học Sandy Hook, Mỹ làm 27 người thiệt mạng.
Theo các chuyên gia, các nhà di truyền học có thể tìm ra những đột biến gene kết hợp với chứng tâm thần làm tăng nguy cơ bạo lực. Họ tin rằng những hành vi giết người hàng loạt vượt xa khỏi những hành vi thông thường và chắc hẳn có liên quan đến những biến đổi về gene.
Gene có quyết định ai đó trở thành kẻ sát nhân?
Trong khi đó, một số nhà khoa học khác lo ngại rằng cuộc nghiên cứu này sẽ dẫn đến sự kỳ thị đối với những người chưa bao giờ phạm tội nhưng có gene biến đổi giống những kẻ giết người. Họ cũng cho rằng có hàng trăm gene liên quan đến hành vi bạo lực, chưa kể đến những tác động của môi trường bên ngoài, những yếu tố này có thể tương tác với nhau theo những cách khó dự đoán. “Thật khó có thể tưởng tượng rằng có một yếu tố di truyền phổ biến trong những kẻ giết người hàng loạt”, tiến sĩ Robert C. Green thuộc trường Y Harvard nhận xét.
Trước đó đã có nhiều cuộc nghiên cứu về di truyền học đối với những kẻ bạo lực và giết người và gây nhiều tranh cãi. Tuy nhiên đây dường như là lần đầu tiên các nhà khoa học nghiên cứu chi tiết về gene của kẻ giết người hàng loạt và cuộc nghiên cứu được đánh giá cao bởi nhiều nhà khoa học. “Bộ hồ sơ về di truyền của kẻ đã phạm tội liên quan đến bạo lực có thể có vai trò quan trọng. Việc phóng thích tội phạm hay không trước đây chỉ dựa vào các đánh giá về tâm thần. Các đánh giá về gene có thể tăng thêm phần chắc chắn cho các quyết định này”, tiến sĩ Skene thuộc trường Đại học Duke nhận xét.
Một ý kiến khác cho rằng việc nhận biết được kiểu gene của kẻ giết người bạo lực cũng sẽ có lúc được sử dụng. Các ADN và tế bào đông lạnh được lưu trữ một ngày nào đấy sẽ trở thành những manh mối hữu ích.