Loài bọ "bất tử" ngay cả khi bị kẻ thù nuốt vô bụng đầy axit

Đối với hầu hết các loài côn trùng, một cú đớp từ chiếc lưỡi nhớp nháp của ếch được xem như "bản án tử" chấm dứt cuộc đời chúng. Thế nhưng, đối với loài bọ nước Regimbartia attenuata, chúng không chịu thua hệ tiêu hóa của ếch. Thay vì vậy, chúng "đi dạo" qua cổ họng của loài lưỡng cư này, bơi qua dạ dày, trượt dọc theo ruột và trèo ra khỏi hậu môn ếch. An toàn và khỏe mạnh.

"Đây là bài báo khoa học đầu tiên khiến tôi phải thốt lên: Thật kỳ lạ!", Crystal Maier, nhà côn trùng học tại Bảo tàng Động vật học Đại học Harvard cho biết. "Còn rất nhiều thói quen kỳ lạ của côn trùng vẫn đang chờ được khám phá", Maier nói thêm.


Loài bọ kỳ lạ "bò" qua bên trong cơ thể ếch chỉ trong 6 phút, sau đó chui ra ngoài bình an vô sự - (Video: Shinji Sugiura).

Sống sót qua hệ tiêu hóa của động vật ăn thịt là rất hiếm, nhưng không phải là chưa từng thấy trong vương quốc động vật. Một số con ốc vẫn bình an sau chuyến "du lịch" qua bụng cá và chim bằng cách khóa kín mình bên trong vỏ, chờ đợi được hệ tiêu hóa đào thải ra bên ngoài. Tuy nhiên, nghiên cứu về loài bọ nước là lần đầu tiên ghi nhận hiện tượng con mồi chủ động tìm đường trốn thoát qua lối hậu môn của kẻ săn mồi.

Shinji Sugiura, nhà sinh thái học tại Đại học Kobe (Nhật Bản), thường xuyên cho những con vật săn mồi ăn thịt bọ cánh cứng để xem điều gì xảy ra tiếp theo. Năm 2018, anh phát hiện ra những con bọ cánh cứng có thể buộc cóc phải nôn chúng ra bằng cách giải phóng một thứ hỗn hợp hóa chất nóng và độc hại.

Cảm nhận rằng loài bọ Regimbartia attenuata có thể đã phát triển những hành vi lẩn trốn của riêng mình, Sugiura thử cho một con bọ cánh cứng ở chung với một con ếch. Bọ thường "đụng độ" ếch mỗi khi chúng bơi qua những cánh đồng lúa ở Nhật Bản. Trong phòng thí nghiệm của mình, anh theo dõi.

Con ếch dễ dàng bắt gọn con mồi chỉ với một cú đớp. Hầu hết những con vật lưỡng cư thiếu răng có thể vô hiệu hóa và giết chết con mồi nhờ hệ tiêu hóa đầy axit và thiếu oxy. Tuy nhiên, Sugiura quan sát thấy con bọ nhỏ bé màu đen vừa trượt ra khỏi hậu môn ếch, chạy đi như không hề hấn gì.

"Tôi đã rất ngạc nhiên", anh nói. "Tôi đã trông chờ rằng con ếch sẽ chỉ nôn ra con bọ", Sugiura giải thích.


Bọ cánh cứng và quá trình trốn thoát khỏi bụng ếch - (Ảnh: Phys.org).

Thí nghiệm với hơn 30 cặp bọ - ếch, Sugiura phát hiện rằng hơn 90% con bọ sống sót sau khi bị ếch đớp. Tỉ lệ này vượt xa tất cả những loài vật từng được biết đến với khả năng sống sau khi lọt vào bụng kẻ săn mồi.

Trung bình con bọ mất 6 tiếng để trốn thoát. Tuy nhiên, đối với một số cá thể đặc biệt "dũng cảm" trong quá trình thí nghiệm, chúng chỉ mất 6 phút để thoát ra.

Để xác nhận rằng những con bọ chủ động trốn thoát khỏi hệ tiêu hóa của ếch, Sugiura sử dụng sáp dính để cố định chân của một số con bọ lại. Không con nào trong số này sống sót, và xác chúng mất khoảng một ngày hoặc hơn để đi qua hệ tiêu hóa của ếch.

Lối sống dưới nước của loài bọ Regimbartia attenuata đã giúp chúng sống sót dễ dàng hơn, theo Sugiura. Lớp vỏ cứng cáp giúp chúng chống lại axit trong dạ dày ếch, và khả năng thở dưới nước thông qua các túi khí được giấu dưới đôi cánh cứng giúp chúng không bị ngạt thở.

Sugiura dự kiến sẽ kiểm tra giới hạn khả năng của loài bọ này bằng cách ghép chúng với những con ếch to hơn, cóc và thậm chí là cá.

Cập nhật: 05/08/2020 Theo Tuổi Trẻ
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video