Rothschild – gia tộc kinh doanh Do Thái có nguồn gốc từ Đức, đã thành lập nên đế chế tài chính ngân hàng nổi tiếng bậc nhất Châu Âu thế kỷ 18.
Gia tộc này đã đi tiên phong trong việc cung cấp vốn cho các doanh nghiệp và tài trợ cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn nhất thế giới, trong đó có các dự án xây đường sắt và kênh đào Suez. Thậm chí nhiều người còn nói rằng, gia tộc Rothschild đã định hình nên thế giới tài chính hiện nay.
Đế chế Rothschild nổi danh từ những năm 1760 khi Mayer Amschel Rothschild (1744–1812) thành lập một ngân hàng tại quê nhà ở Frankfurt, Đức. Trải qua thời gian, cùng với sự góp sức của 5 người con trai, ông Mayer Rothschild đã biến Rothschild thành một gia tộc kinh doanh giàu có nhất mọi thời đại với hệ thống ngân hàng trải dài khắp châu Âu.
Không giống với nhiều gia tộc giàu có khác đi lên từ khối tài sản khổng lồ sẵn có, gia tộc Rothschild có một khởi đầu khá khiêm tốn. Nhà sáng lập Mayer Amschel Rothschild sinh năm 1744 và lớn lên trong một khu phố ổ chuột của người Do Thái tại Frankfurt. Theo yêu cầu về mặt pháp lý tại thời điểm đó, người Do Thái buộc phải sinh sống trong những cộng đồng nhỏ tách biệt với người Kito giáo (Thiên Chúa Giáo). Họ cũng không được phép rời khỏi buôn làng vào ban đêm, ngày chủ nhật hoặc bất kì ngày lễ nào của người Kito giáo.
Tuy vậy, ngay từ khi còn nhỏ Mayer Rothschild đã bắt đầu làm quen với việc kinh doanh. Cha của ông - Amschel Moses Rothschild thường giao dịch tiền xu và nhiều mặt hàng nhỏ lẻ khác để kiếm sống qua ngày. Một trong những khách hàng quen thuộc của ông Amschel là Thái tử Wilhelm thời đại đó.
Đến năm 12 tuổi, bi kịch ập tới với cậu bé Mayer Rothschild khi cả cha và mẹ đều qua đời trong một dịch đậu mùa. Ngay sau ngày sinh nhập lần thứ 13, cậu bé Mayer Rothschild quyết định theo học nghề ngân hàng ở Hanover, Đức. Trong suốt khoảng thời gian đó, Rothschild đã học được mọi hoạt động kinh doanh bên trong và bên ngoài lĩnh vực tài chính từ các chủ ngân hàng – những người đã sử dụng kiến thức và khả năng kết nối của mình để tư vấn phục vụ giới quý tộc.
Năm 19 tuổi, Mayer Rothschild quyết định trở về quê nhà. Cùng với những người anh em khác của mình, Mayer tiếp tục công việc trao đổi tiền xu và buôn bán hàng hoá từ người cha quá cố. Bên cạnh đó, họ thực hiện buôn bán và trao đổi những đồng tiền quý hiếm. Thông qua công việc kinh doanh tiền xu, Rothschild đã gặp Thái tử Wilhelm – người giàu nhất châu Âu khi đó.
Ngay lập tức, Rothschild vận dụng kiến thức ngân hàng đã học được ở Hanover để cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính cho Thái tử Wilhelm và giới quý tộc. Đến năm 1769, ông được trao tặng danh hiệu Nhân tố Toà án (Thời bấy giờ, những người giàu có và giới quý tộc rất hay gặp rắc rối với Toà án và luôn cần có nhà tư vấn tài chính giỏi). Một năm sau đó, ông kết hôn và có 10 người con (5 trai và 5 gái).
Đế chế ngân hàng của gia tộc Rothschild được hưởng lợi rất nhiều từ cuộc cách mạng Pháp. Trong suốt thời kỳ chiến tranh, Rothschild đã thực hiện hàng triệu giao dịch tiền tệ cho lính đánh thuê Hessian.
Cũng trong khoảng thời gian đó, Mayer Rothschild đã gửi 5 người con trai đến sống ở các thành phố thủ đô tại nhiều quốc gia châu Âu khác nhau với mục tiêu thành lập hệ thống ngân hàng trải khắp châu Âu, từ Naples, Vienna, Paris đến London. Khi 5 người con trai đã có mặt ở khắp châu Âu, nhà Rothschild thành lập năm chi nhánh ngân hàng liên kết đầu tiên. Tận dụng cơ hội chiến tranh châu Âu lan rộng, nhà Rothschild thực hiện cho vay Chính phủ để tài trợ cho các hoạt động thời chiến. Nhờ đó, gia tộc này đã tích luỹ được lượng trái phiếu khổng lồ và phát triển sự giàu có thông qua xây dựng hàng loạt doanh nghiệp lớn nhỏ.
Trước khi qua đời vào năm 1812, Mayer Rothschild đã đưa ra nhiều quy định nghiêm ngặt đối với con cháu về cách quản lý tài sản gia đình. Ông muốn duy trì tài sản qua các thế hệ nên đã sắp xếp các cuộc hôn nhân trong gia đình. Thậm chí, theo một bài báo được đăng tải trên tạp chí Discover số tháng 8 năm 2003 với tựa đề "Go Goead, Kiss Your Cousin", ông Mayer Rothschild đã sắp xếp để em họ của mình kết hôn với một trong những người thừa kế trong gia tộc.
Không những thế, bản di chúc của ông Mayer Rothschild còn cấm tất cả những hậu duệ nữ không được thừa kế tài sản trực tiếp. Do không có quyền thừa kế tài sản nên những người phụ nữ trong gia tộc Rothschild có rất ít lựa chọn đối tác kết hôn với cùng tôn giáo và địa vị xã hội, ngoại trừ chính những người đàn ông khác trong gia tộc. 4 người cháu gái của ông Mayer Rothschild đã kết hôn với các cháu trai và một người khác kết hôn với chú họ của mình.
Trong số 5 người con trai nhà Rothschild, Nathan – người con trai thứ ba đã đạt được những thành tựu lớn nhất trong lĩnh vực tài chính. Nathan Rothschild được coi là một trong những nhà tiên phong trong lĩnh vực tài chính quốc tế hiện đại.
Theo yêu cầu của cha, Nathan chuyển tới sống ở Anh vào những năm 1798. Tại đó, ông đã thành lập một doanh nghiệp dệt may với vốn lưu động khoảng 20.000 bảng Anh – tương đương 2 triệu bảng Anh ngày nay. Sau đó, ông đã thành lập ngân hàng nổi tiếng N M Rothschild & Sons Ltd. Cũng như nhiều ngân hàng khác của gia tộc Rothschild trải dài khắp châu Âu, N M Rothschild & Sons Ltd cung cấp các dịch vụ tài chính cho chính phủ trong giai đoạn chiến tranh và khủng hoảng.
Trong suốt cuộc chiến Nepoleon, N M Rothschild & Sons Ltd đã tài trợ nhiều khoản trợ cấp cho Chính phủ Anh và nhiều đồng minh, thực hiện cho vay tiền và nhiều nỗ lực khác.
Năm 1824, Nathan Rothschild cùng với Moses Montefiore đồng sáng lập Công ty Bảo hiểm Liên minh, tồn tại đến ngày nay với tư cách là Tập đoàn Bảo hiểm RSA. Bên cạnh đó, năm 1835, Nathan còn được quyền chế tạo và tinh luyện vàng bạc từ chính quyền Tây Ban Nha để cung cấp vàng – bạc cho Ngân hàng Anh và Sở đúc tiền Hoàng Gia.
Nathan Rothschild đã đóng góp rất nhiều cho các hoạt động từ thiện của cộng đồng người Do Thái ở Đức, Paris và London. Sau đó, ông đã góp phần thành lập giáo đường Do Thái – nguồn gốc cho sự ra đời và thành lập chính phủ Israel.
Nathan Rothschild có 7 người con với vợ - bà Hannah Barent Cohen. Những người con của ông sau này đều tham gia vào hoạt động từ thiện của gia đình. Theo dữ liệu được ghi chép lại, con út của Nathan là Louise cùng với những người chị em khác của mình đã quản lý tới hơn 30 cơ sở từ thiện của gia tộc Rothschild ở Frankfurt. Những cơ sở từ thiện này bao gồm thư viện, trại trẻ mồ côi, bệnh viện, nhà dưỡng lão và nhiều cơ sở giáo dục khác.
Ngoài các khoản tiền tài trợ cho lĩnh vực giáo dục, gia tộc này còn tài trợ khoảng 60.000 tác phẩm nghệ thuật cho các tổ chức; đồng thời mở rộng việc xây dựng các khu nhà xã hội ở London và Paris. Sau đó, quỹ Rothschild được thành lập để duy trì các hoạt động từ thiện này.
Khối tài sản khổng lồ của gia tộc Rothschild được chia cho nhiều thế hệ thừa kế trong suốt những năm qua. Ngày nay, tài sản nắm giữ của gia tộc Rothschild vẫn trải rộng trên nhiều ngành công nghiệp từ dịch vụ tài chính, bất động sản đến khai khoáng, năng lượng và công tác từ thiện. Không những thế, gia tộc này còn sở hữu hàng chục nhà máy chế biến rượu vang ở Bắc Mỹ, Châu Âu, Nam Mỹ, Nam Phi và Úc.
Theo quy định từ thời cha ông, tài sản của nhà Rothschild luôn được đầu tư vào các tập đoàn có tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Hầu hết các thành viên trong gia đình làm việc tại các tập đoàn này và thành công lớn nhất của họ chính là hợp tác cũng như thực hiện các nguyên tắc kinh doanh thông minh.
Tài sản của Nathan Rothschild được kết nối mật thiết với tài sản của gia đình và trở thành một phần của khối tài sản tập thể khổng lồ mà mọi thế hệ nhà Rothschild đều có thể được hưởng. Hậu duệ nhà Rothschild các đời sau tiếp tục tài trợ cho các hoạt động kinh doanh toàn cầu và đóng góp vào lĩnh vực học thuật, nhân đạo, văn hoá và kinh doanh.
Phương châm của gia tộc Rothschild qua bao thế hệ vẫn luôn được giữ vững, đó là Hài hoà, Chính trực và Chuyên nghiệp.