Loại củ mọc dại này có tác dụng dưỡng sức khoẻ như nhâm sâm nếu biết dùng.
Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3), cho biết cây cát sâm có tên gọi khác là sâm nam, sâm chèo mèo, sâm chuột, ngưu đại lực, sơn liên ngẫu, đại lực thự… Cát sâm là loại cây dại nhưng có dược tính tốt. Trong từ "cát sâm", cát nghĩa là sắn. Cây giống củ sắn nhưng lại có tác dụng bồi bổ, do đó có tên gọi là cát sâm.
Cây cát sâm có tên khoa học là Millettia speciosa Champ, cây dây leo gỗ, có rễ củ nạc. Cát sâm mọc ở rất nhiều nơi, nhất là những chỗ nhiều nắng ở vùng rừng núi như: Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hà Tây… Hiện nay, cát sâm được trồng để làm dược liệu chế biến thành thuốc.
Công dụng của cát sâm
Theo y học cổ truyền, rễ củ của cây cát sâm có thể sử dụng làm thuốc. Cát sâm là dược liệu có vị ngọt và tính bình, được quy vào các kinh Tỳ và Phế. Bác sĩ Vũ cho hay, cát sâm có công dụng trừ hư nhiệt, dưỡng tỳ, lợi tiểu, bổ trung ích khí. Cát sâm được dùng nhiều trong các bài thuốc chủ trị ho nhiều đờm, sốt về chiều đêm, nhức đầu, bí tiểu, kém ăn, chống suy nhược cơ thể…
Củ cát sâm. (Ảnh minh hoạ).
Dân gian ví cát sâm là vị thuốc của phổi vì có nhiều tác dụng bổ phế (phổi). Người ho khan, ho dai dẳng, sốt khát nước dùng 12g cát sâm kết hợp với 12g mạch môn, 8g thiên môn, 8g vỏ rễ dâu sắc nước uống trong ngày.
Không chỉ tốt cho phổi, cát sâm còn được dùng với mục đích bồi bổ cơ thể. Người ăn kém, suy nhược có thể có thể dùng độc vị (một vị) cát sâm với lượng tuỳ dùng, thái lát và tẩm với nước gừng rồi sao vàng trên lửa nhỏ. Mỗi lần chỉ lấy 30g để sắc chung với 400ml nước đến khi còn 200ml; chia 3 lần uống trong ngày. Bài thuốc này có tác dụng kích thích ăn ngon miệng, nâng cao sức khoẻ.
Ngoài ra, trường hợp suy nhược cơ thể còn có thể dùng 10g cát sâm kết hợp với các vị như: 20g lá đinh lăng khô, 15g rễ đinh lăng đã sao, 8g sinh địa; sắc với 500ml nước đến khi còn khoảng 150ml, chia đều làm 3 lần uống trong ngày. Bài thuốc giúp bồi bổ cơ thể không kém gì nhân sâm.
Ngoài ra, theo bác sĩ Vũ, cát sâm còn được dùng trong việc chữa trị các bệnh khác như: sốt, nhức đầu, cảm nắng, thuỷ đậu…
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ.
Một số bài thuốc sử dụng cát sâm
- Chữa cảm sốt: 2g cát sâm, 12g cát căn, 4g cam thảo sắc chung 600ml nước đến khi còn 300ml, chia đều làm 3 lần uống trong ngày.
- Chữa nhức đầu, khát nước, bí tiểu tiện: 30g cát sâm, thái lát, tẩm mật rồi cho lên chảo nóng sao vàng. Sau đó cho vào ấm sắc chung với 400ml nước đến khi còn 200ml. Chia đều thành 3 lần uống trong ngày.
- Chữa cảm nắng: cát sâm, mạch môn, cát căn, cam thảo đất mỗi vị 12-20g sắc uống. Chữa cảm nắng có triệu chứng đổ mồ hôi, sốt nóng, ho khan hoặc trẻ nhỏ bị nóng ấm về đêm, trằn trọc ngủ không yên.
- Chữa thủy đậu: 12g cát sâm, 12g vỏ hạt đỗ xanh, 12g sinh địa, 12g đậu ván trắng, 12g hạt đỗ đen, 10g hoàng tinh, 10g lá dâu, 10g mạch môn, 10g cam thảo dây. Các vị thuốc đem rửa sạch, phơi cho khô rồi sắc lấy nước uống trong ngày.
Bác sĩ Vũ lưu ý theo một số tài liệu ghi chép, thân và lá cát sâm có độc, do vậy không nên sử dụng. Chỉ sử dụng củ (rễ) cát sâm để làm thuốc. Củ cát sâm khi sử dụng cần phải phơi khô và bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát để tránh ẩm mốc, mối mọt.