Thứ ngọt ngào là "thần dược" bổ phổi, ngừa ung thư: Có rất nhiều ở Việt Nam mà ít người biết để dùng

Lợi ích của cam thảo
  •  
  • 606

Đây là một vị thuốc trong Đông y dùng để chữa trị nhiều bệnh. Khoa học hiện đại đã chứng minh nó có tác dụng ngừa ung thư.

Đó chính là cam thảo. Cam thảo có vị ngọt tự nhiên, mang lại vô số lợi ích sức khỏe. Một số nghiên cứu cho thấy cam thảo thậm chí có thể ngăn ngừa ung thư và làm chậm sự phát triển của ung thư một cách đáng kinh ngạc.

Các tác dụng của cam thảo theo nghiên cứu khoa học

1. Giảm bớt các vấn đề về tiêu hóa

Theo một nghiên cứu công bố trên Textbook of Natural Medicine, cam thảo có tác dụng giảm thiểu các vấn đề về tiêu hóa bao gồm chứng ợ nóng và loét dạ dày.

2. Kiểm soát các triệu chứng mãn kinh

Một nghiên cứu đăng tải trên The Author Manuscript cho thấy cam thảo có thể có tác dụng như estrogen trong cơ thể và được sử dụng như một phương pháp tự nhiên để kiểm soát các triệu chứng mãn kinh.

3. Giảm triệu chứng ho và đau họng

Cam thảo giúp điều trị nhiều bệnh về đường hô hấp.
Cam thảo giúp điều trị nhiều bệnh về đường hô hấp. (Ảnh: Internet).

Cam thảo có tác dụng làm giảm ho, đau họng và triệu chứng khi nhiễm các loại virus gây bệnh hô hấp khác.

Trong cam thảo có chứa nhiều glycyrrhizin. Đây là hoạt chất tạo nên vị ngọt đặc trưng cho cam thảo. Nhiều nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy hoạt chất này có tác dụng chống lại virus SARS-CoV-2.

Các nghiên cứu trên động vật còn cho thấy glycyrrhizin có thể giúp giảm triệu chứng của bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, nghiên cứu trên người còn hạn chế và cần nhiều nghiên cứu hơn để đánh giá những lợi ích này.

4. Kiểm soát tình trạng mất xương

Mất xương, hay còn gọi là loãng xương, là tình trạng xương mất dần độ chắc khỏe và trở nên yếu, dễ bị gãy hoặc nứt ngay cả khi chịu tác động nhẹ. Điều này xảy ra khi tốc độ phân hủy xương diễn ra nhanh hơn tốc độ tạo xương mới, dẫn đến giảm mật độ xương và suy giảm cấu trúc xương.

Theo nghiên cứu trên động vật, glycyrrhizin có thể giúp kiểm soát tình trạng mất xương và lão hóa mô ở người cao tuổi. Nguyên nhân là do glycyrrhizin có tác dụng giảm viêm, giảm phân hủy xương và tăng các hợp chất bảo vệ cho xương.

5. Hỗ trợ chức năng tuyến thượng thận

Tuyến thượng thận có tác dụng điều chỉnh cortisol - hormone gây căng thẳng - trong cơ thể. Cam thảo có khả năng ức chế cortisol, do đó có thể hỗ trợ chức năng tuyến thượng thận.

6. Ngừa ung thư

Cam thảo có tác dụng ngừa ung thư.
Cam thảo có tác dụng ngừa ung thư. (Ảnh: Internet).

Theo thông tin từ tờ Healthline, cam thảo chứa nhiều hợp chất thực vật có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm. Chiết xuất rễ cam thảo đã được chứng minh có khả năng chống lại một số loại ung thư như ung thư da, ung thư vú, ung thư đại trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt.

Ngoài ra, chiết xuất rễ cam thảo có thể giúp điều trị viêm, loét miệng - những tác dụng phụ của hóa trị và xạ trị ở bệnh nhân ung thư.

Lưu ý khi sử dụng cam thảo

Theo PGS.TS BS Nguyễn Thị Bay, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, cam thảo là vị thuốc được sử dụng nhiều trong các bài thuốc Đông y. Nguyên nhân là do nó có tác dụng điều hòa các vị thuốc lại với nhau, đồng thời đưa các vị thuốc đến mô đích, giúp các vị thuốc tương tác tốt với nhau.

Theo Đông y, cam thảo có vị ngọt, tính bình, không chứa độc, có tác dụng kiện tỳ, ích khí, giải độc, ôn trung, ích tinh, nhuận phế, chỉ thống, chỉ khai và thanh nhiệt.

Bác sĩ Bay cho biết, thành phần chủ yếu có trong cam thảo là saponin steroid và flavon. Với những thành phần này, một số tác dụng mà cam thảo có thể mang lại đó là:

  • Saponin steroid trong cam thảo có tác dụng tương tự như “thần dược” cortisol của Tây y.
  • Cam thảo có tác dụng chống viêm, giảm ho, giảm đau hiệu quả.
  • Cam thảo có tác dụng giải độc.
  • Chống co thắt cơ trơn ở đường tiêu hóa, chữa viêm loét dạ dày, ợ nóng, đau bụng,…
  • Một số nghiên cứu còn cho thấy cam thảo có thể trị được bệnh Addison (suy tuyến thượng thận).

Tuy nhiên, theo PGS Bay, khi dùng cam thảo, mọi người cần lưu ý những điều sau đây:

  • Mặc dù cam thảo có thể an toàn trong hầu hết trường hợp nhưng việc tiêu thụ cảm thảo mỗi ngày trong vài tuần hoặc lâu hơn có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng như tăng huyết áp, nồng độ kali thấp, suy nhược, tê liệt và thỉnh thoảng gây tổn thương não ở người khỏe mạnh. Do đó, mọi người không nên dùng cam thảo thường xuyên.
  • Phụ nữ mang thai không nên tiêu thụ cam thảo hoặc lấy rễ cam thảo để làm chất bổ sung.
  • Các trường hợp viêm thận có các biểu hiện phù mí mắt, tiểu ít hoặc trường hợp viêm gan, xơ gan đã có biểu hiện phù nề thì không nên dùng cam thảo.
  • Người bị tăng huyết áp hoặc huyết áp không ổn định cũng không nên dùng cam thảo.
  • Những trường hợp táo bón mạn tính do đại tràng thực nhiệt, nhất là những người yếu mệt lâu ngày hoặc người cao tuổi,…nếu dùng cam thảo sẽ có nguy cơ tăng khả năng táo bón.

PGS Bay cũng nhấn mạnh, mặc dù cam thảo có rất nhiều tác dụng nhưng bạn phải thận trọng khi sử dụng dược liệu này. Tốt nhất, nếu muốn dùng cam thảo chữa bệnh thì nên đến gặp thầy thuốc để được cấu tạo bài thuốc phù hợp và an toàn.

Cập nhật: 09/03/2024 ĐSPL
  • 606