Mặc dù đã bị cấm từ năm 2010, lượng khí CFC có khả năng phá hủy tầng ozone ở bên trong máy lạnh, tủ lạnh vẫn tăng lên đột biến. Chẳng ai biết nguồn phát loại khí này đến từ đâu.
Nghiên cứu mới nhất đăng trên tạp chí khoa học Nature Geoscience hôm 3/4 đã chỉ ra CFC (chlorofluorocarbon), loại hóa chất từng bị cấm vì làm thủng tầng ozone, hiện vẫn tăng cao ở mức đáng báo động trên bầu khí quyển Trái đất.
CFC thải ra sẽ xâm nhập vào khí quyển và phá hủy tầng ozone. (Ảnh: Science Photo Library).
Đây là loại hóa chất được con người ứng dụng để phục vụ các ngành công nghiệp, chủ yếu dùng trong ngành công nghiệp làm lạnh như tủ lạnh, máy lạnh. Tuy nhiên, lượng chất CFC thải ra sẽ xâm nhập vào khí quyển và phá hủy tầng ozone.
Do đó, CFC đã bị cấm sử dụng từ năm 2010 theo Nghị định thư Montreal năm 1987 và dần được thay thế bởi HFC. Tuy nhiên, các nhà khoa học rất bất ngờ khi phát hiện ra lượng hóa chất này đã tăng cao trong một thời gian dài và đạt đỉnh vào năm 2020.
Nguyên nhân có thể chính là do HFC, chất làm lạnh thay thế cho CFC trước đây. Nhưng vấn đề lớn hơn cả là các nhà khoa học không thể tìm ra nguồn thải những chất hóa học này.
Phát hiện khí CFC gây sốc giới khoa học
Trong những thập kỷ trở lại đây, tầng ozone bảo vệ Trái đất đang trên đà hồi phục đáng kể. Song, nếu lượng chất thải môi trường như CFC vẫn tăng cao và không có dấu hiệu giảm sút, quá trình hồi phục sẽ bị giảm tốc trong khi tốc độ biến đổi khí hậu sẽ tăng cao.
“Tổng lượng khí độc làm thủng tầng ozone bằng với lượng khí thải nhà kính ở Switzerland”, nhà nghiên cứu Stefan Reimann tại viện Materials Science and Technology nói với báo chí hôm 30/3.
Trong nghiên cứu, Reimann và các đồng nghiệp đã phát hiện một lượng khí CFC đang được thải ra khí quyển ngày càng nhiều. Ngoài sử dụng như chất làm lạnh, CFC còn được tìm thấy trong các bình xịt, màng bọc nhựa, lớp cách nhiệt.
Khí CFC được phân thành nhiều loại khác nhau như: CFC-113a, CFC-114a, CFC-115, CFC-13, CFC-112a. Chúng đều đã bị cấm sử dụng toàn cầu vào năm 2010 theo Nghị định thư Montreal năm 1989.
Đây là một thỏa thuận quốc tế đã giúp loại bỏ 99% các hóa chất làm suy giảm tầng ozone, chẳng hạn như CFC và được xem là thỏa thuận về môi trường thành công nhất trên bình diện quốc tế, với hy vọng có thể mang đến sự hồi phục hoàn toàn của tầng ozone vào giữa thế kỷ này.
Nhờ Nghị định thư Montreal, tầng ozone của Trái đất đã trên đà khôi phục, giảm thiểu nguy cơ ung thư da hay đục thủy tinh thể. Các nhà nghiên cứu còn kỳ vọng tầng ozone sẽ hồi phục hoàn toàn vào năm 2065.
Theo kế hoạch, tầng ozone sẽ hồi phục hoàn toàn vào năm 2065. (Ảnh: NASA).
CFC vẫn được sử dụng lén lút
Đây chính là lý do khiến việc phát hiện lượng thải khí CFC tăng mới đây đã gây sốc trong giới khoa học. Nếu theo đúng nghị định, lượng phát thải phải giảm xuống kể từ khi hoạt động sản xuất và tiêu thụ các chất hóa học bị cấm năm 2010.
Nghiên cứu hôm 3/4 trên tạp chí khoa học Nature Geoscience cũng chỉ ra một lỗ hổng trong Nghị định thư Montreal năm 1989, cho phép các loại khí CFC ngày càng phát triển.
Trên danh nghĩa, CFC sẽ không hề xuất hiện trong bảng thành phần hay đề cập gì đến sản phẩm. Nhưng thực tế là các công ty vẫn sử dụng CFC trong quá trình sản xuất các chất thay thế. Điều này đồng nghĩa với việc CFC sẽ trở thành vật liệu thô hoặc nguyên liệu để tạo ra những chất hóa học mới.
Đây chính là cách mà CFC-113a, CFC-114a và CFC-115 vẫn được sử dụng rộng rãi bất chấp lệnh cấm vào năm 2010. Họ dùng các chất này để tạo ra HFC, thay thế CFC trong máy lạnh, tủ lạnh hay bình chữa cháy.
Song, HFC cũng là một chất có hại nếu bị rò rỉ. Đây có thể là loại khí thải nhà kính siêu độc, có uy lực làm Trái đất nóng lên gấp hàng trăm nghìn lần so với CO2. Do đó, Bản sửa đổi, bổ sung Kigali năm 2016 đã yêu cầu giảm 85% tiêu thụ HFC cho đến năm 2047.
Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là các nhà khoa học vẫn không thể tìm ra nguồn thải CFC từ đâu. Tác giả của nghiên cứu cho biết nguồn CFC đến từ 14 địa điểm khác nhau trên thế giới nhưng không rõ khu vực cụ thể. Ngay cả lượng thải hai loại khí CFC-13 và CFC-112a không tồn tại trong quy trình sản xuất HFC cũng tăng cao.
“Chúng tôi không biết nó từ đâu tới và điều này thật đáng sợ”, nhà nghiên cứu Stefan Reimann cho biết. Khi lượng khí ngày càng tăng cao, chúng sẽ ảnh hưởng đến quá trình hồi phục tầng ozone và nguy cơ gây ra biến đổi khí hậu trầm trọng.