Giết mổ đàn gà ác bố mẹ 2.400 con của Công ty Gia cầm TP.HCM tại Trung tâm giết mổ gia cầm An Nhơn |
Theo kế hoạch hành động đối phó với dịch cúm gia cầm, từ 15-11 trên địa bàn TP.HCM sẽ không còn bất kỳ cơ sở nào được phép nuôi gia cầm, kể cả những đơn vị nuôi tập trung có sự kiểm soát của thú y. Như vậy, những cơ sở đã và đang nuôi gia cầm sẽ xử lý ra sao? Cơ sở nào được mua bán và vận chuyển gia cầm?...
TP.HCM đã xây dựng kế hoạch hành động khẩn cấp đối phó với dịch cúm gia cầm, xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Phước Thảo - giám đốc Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn, phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm TP.HCM - nói:
- Ngày 15-11 sẽ không còn bất cứ cơ sở chăn nuôi gia cầm nào bao gồm cả những hộ nuôi tập trung, có đăng ký, có sự kiểm soát của thú y.
* Trong thời điểm hiện nay thì tiêu thụ gia cầm là vấn đề mà người chăn nuôi tập trung đang rất lo lắng...
- Như tôi đã nói, TP có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thu mua gia cầm để dự trữ kho lạnh, chế biến dần dần và kinh doanh sau này.
* Ngoài việc cấm chăn nuôi gia cầm, thủy cầm thì TP có cấm nuôi chim cảnh?
Ông Nguyễn Phước Thảo |
* TP có cấm những hộ buôn bán gia cầm nhỏ lẻ?
- Việc mua bán gia cầm sống nhỏ lẻ cũng đã bị cấm từ đầu năm 2004. Theo đó, tất cả hộ kinh doanh chỉ bán gà làm sẵn (đã giết mổ, có kiểm soát của thú y). TP khuyến khích việc mua bán thịt gia cầm có kiểm dịch tại các siêu thị hoặc đại lý hay cửa hàng riêng của công ty; đồng thời trong tương lai (khi mọi việc trở lại bình thường) có thể hình thành hệ thống chuỗi liên kết khép kín từ khâu nuôi tập trung có kiểm soát, giám sát dịch bệnh của thú y đến giết mổ tập trung và cuối cùng là đưa ra chỗ bày bán đúng tiêu chuẩn.
* Những cơ sở chăn nuôi tập trung đã qua kiểm soát dịch bệnh muốn đưa hàng vào TP thì phải đảm bảo những thủ tục gì?
- Gia cầm từ tỉnh vào TP phải có giấy xác nhận của chi cục thú y địa phương, ghi rõ cụ thể bán cho cơ sở giết mổ nào. Khi vào đến các trạm cửa ngõ, TP sẽ cho biết lộ trình vận chuyển qui định. Lộ trình này do lực lượng công an, quản lý thị trường, thú y đang bàn bạc thống nhất. Ngoài ra, khi đến trạm kiểm dịch, các xe sẽ được gắn bảng “xe vận chuyển gia cầm”. Xe nào chở gia cầm vào TP không có biển thì biết ngay là xe lậu.
* Còn các cơ sở giết mổ sẽ xử lý ra sao, thưa ông?
- Theo thông báo của UBND TP, nếu các lò giết mổ (trước nay vẫn có phép hoạt động) nhưng gần khu dân cư mà chưa xử lý tốt vấn đề phòng dịch thì sẽ tạm thời đóng cửa. TP sẽ tính cách hỗ trợ những cơ sở giết mổ này. Vì “đại cuộc” có lẽ sắp tới sẽ ngưng một số cơ sở giết mổ, nhưng ngưng bao nhiêu thì tôi chưa thể trả lời ngay vì còn chờ ngành y tế, thương mại, thú y quyết định.
* Số gia cầm không được thu mua thì tiêu hủy như thế nào?
- Đến thời điểm 15-11, nếu không mua kịp hết những gia cầm trong tiêu chuẩn thu mua do bị ảnh hưởng bởi tiến độ giết mổ, trữ đông, cấp đông thì TP cũng có thể du di vài ngày cho các công ty. Còn những con không đạt tiêu chuẩn (trọng lượng quá nhỏ) buộc phải xử lý hủy đốt, chôn. Có nhiều điểm chôn, tùy theo vị trí, qui mô đàn và địa hình, có khả năng đem vào bãi rác chôn. Riêng việc đốt thì vẫn đưa vào khu vực Bình Hưng Hòa.
YẾN TRINH thực hiện