Các nhà khảo cổ học mới đây đã chứng minh được rằng loài người đã biết sử dụng các công cụ để săn bắt và ăn thịt động vật từ cách đây 3,4 triệu năm, sớm hơn 800.000 năm so với chúng ta nghĩ trước đây.
Phát hiện này cũng có nghĩa rằng loài người Homo không phải là tộc người đầu tiên biết sử dụng công cụ mà là loài người Australopithecus afarensis. Hóa thạch đầu tiên của loài người này có niên đại khoảng 3,2 triệu năm được phát hiện tại thung lũng Awash của Ethiopia vào năm 1976 được đặt tên là “Lucy”.
Các vết cắt bằng các công cụ đá trên mảnh xương động vật vừa được phát hiện.
Ảnh: Telegraph
Tiến sĩ Zeresenay Alemseged, một nhà khảo cổ học chuyên nghiên cứu về lịch sử tiến hoá của loài người tại Viện khoa học California (Mỹ), đã khai quật thấy hai mảnh xương động vật có niên đại cách đây 3,4 triệu năm tại khu vực Dikika, cách thủ đô Addis Ababa của Ethiopia khoảng 400 km về phía đông bắc.
Cả 2 mảnh xương được phát hiện đều là của các động vật có vú – một mảnh là xương sườn của động vật có kích thước tương đương một con bò và một mảnh xương đùi của một động vật có kích cơ tương đương 1 con dê. Hai mảnh xương này đều có dấu vết của những vết cắt được cho là của các công cụ bằng đá để lọc thịt ra khỏi xương và lấy tủy.
Nơi các nhà khảo cổ tìm thấy hai mảnh xương trên rất gần với địa điểm khai quật thấy bộ xương hóa thạch của loài người tại thung lũng Awash của Ethiopia vào năm 1976. Ngoài ra, địa điểm tìm thấy 2 mảnh xương cũng chỉ cách khoảnh gần 200 m nơi nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Alemseged tìm thấy hóa thạch của loài người Selam – được cho là thế hệ cháu của loài người Lucy, vào năm 2000. Điều đó đó chứng tỏ rằng loài người ở thời kỳ này đã biết sử dụng công cụ bằng đá để ăn thịt, sớm hơn gần 1 triệu năm so với chúng ta suy nghĩ trước đây.
“Phát hiện mới này có thể buộc chúng ta phải thay đổi nội dung những tư liệu về lịch sử tiến hóa của loài người. Những bằng chứng mới cho thấy loài người đã biết sử dụng công cụ để xẻ thịt động vật sớm hơn gần 1 triệu năm so với chúng ta nghĩ. Sự phát triển này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình tiến hóa của loài người”, tiến sĩ Zeresenay Alemseged nói.
“Phát hiện này đã làm thay đổi suy nghĩ của chúng ta về tổ tiên của loài người. Việc biết sử dụng các công cụ là một mốc quan trọng trong quá trình tiến hóa của loài người và là tiền để giúp chúng ta phát minh ra những công nghệ hiên hiện đại như máy bay, iPhones, ...”, tiến sĩ Zeresenay cho biết thêm.
Trong khi đó, tiến sĩ Shannon McPherron, một nhà khảo cổ học tại Viện nghiên cứu Nhân loại học tiến hóa Max Planck và là thành viên nhóm khai quật, cho rằng: “Phát hiện của chúng tôi có thể đưa thời kỳ Đồ đá về sớm hơn 800.000 năm. Chúng ta bây giờ có thể hình dung loài người Lucy đi săn ở những vùng đất của châu Phi với một công cụ trên tay”.
Cho đến thời điểm hiện tại, công cụ cổ nhất được phát hiện là vào khoảng 2,5 triệu năm trước đây. Những công cụ này dính trên một mảnh xương động vật được khai quật tại vùng Bouri ở Ethiopia. Đây cũng được coi là thời điểm bắt đầu của Thời kỳ Đồ đá. Ngoài ra, một số công cụ bằng đá khác có cùng niên đại cũng đã được tìm thấy ở khu vực gần Gona (Ethiopia).