Các nhà cổ sinh vật học tìm thấy phần còn lại của bốn sinh vật biển nguyên thủy có hình dạng giống như chiếc lá ở miền trung Trung Quốc.
Các mẫu vật ước tính khoảng 550 triệu năm tuổi được khai quật tại khu vực Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc bởi nhóm nghiên cứu sự sống sơ khai từ Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh thuộc Viện Khoa học Trung Quốc (NIGPAS), phối hợp với một số học giả từ Đại học Bách khoa Virginia (Virginia Tech) của Mỹ.
Dạng sống cổ xưa ở dưới đại dương có hình dạng giống chiếc lá.
Bốn sinh vật được xác định từ hóa thạch - bao gồm Arborea arborea, Arborea denticulata và hai loài Arborea khác chưa được đặt tên - trông gần giống nhau và có chiều dài cơ thể khoảng 10cm. Trưởng nhóm nghiên cứu Pang Ke, Phó giáo sư từ NIGPAS, nhấn mạnh chúng nằm trong nhóm những sinh vật sống đầu tiên dưới đáy đại dương.
Arborea có hình lá cây với phần "cuống" chứa giác mút để bám vào đáy biển, trong khi phần "lá" đứng thẳng và lắc lư trong nước. Nhóm nghiên cứu suy đoán rằng chúng kiếm ăn bằng cách hấp thụ các hạt chất hữu cơ nhỏ từ nước biển.
Các hóa thạch và hình ảnh phục dựng của Arborea. (Ảnh: NIGPAS).
Theo NIGPAS, các sinh vật thân mềm cổ đại này phát triển mạnh vào cuối kỷ Ediacara. Trước đây, từng có ý kiến cho rằng Arborea là tổ tiên của những con bút biển hiện đại nhưng các bằng chứng phát sinh loài đã bác bỏ giả thuyết này. Nghiên cứu mới cho thấy chúng có thể đại diện cho một lớp sinh vật đa bào, nhân chuẩn sơ khai.
"Arborea là một nhóm sinh vật lớn từng phân bố rộng khắp các đại dương. Vì vậy, việc nghiên cứu hóa thạch có thể cung cấp những manh mối quan trọng về quá trình tiến hóa của sự sống", Pang chia sẻ.
Chi tiết nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí Paleontology hôm 8/9.