Loài rắn vô hại nhưng thường "chết oan" vì bị nhầm là cực độc tại Việt Nam

Dù không có nọc độc, nhưng loài rắn này lại sở hữu màu sắc cơ thể giống với một loài rắn khác sở hữu nọc độc cực kỳ nguy hiểm, do vậy chúng thường bị "chết oan" khi đụng độ con người.

Sọc đốm đỏ - loài rắn vô hại với vẻ ngoài dễ gây nhầm lẫn

Loài rắn được đề cập ở trên chính là sọc đốm đỏ, còn được biết đến với các tên gọi như rắn tre đỏ, rắn chuột tre, và tên khoa học Oreocryptophis porphyraceus. Đây là một loài thuộc họ rắn nước.


Rắn sọc đốm đỏ.

Rắn sọc đốm đỏ sống trên cạn và trên cây, ưa thích khí hậu mát mẻ nên thường thấy ở những khu vực cao nguyên, nhiều đồi núi. Chúng thường được tìm thấy ở độ cao trên 800m, trong các khu rừng mưa ẩm ướt hoặc các khu rừng khô, tùy thuộc vào phân loài. Chúng dành phần lớn thời gian ẩn náu dưới lớp lá mục, thảm rêu hoặc dưới đá, các khúc gỗ…

Loài rắn này phân bố rộng khắp châu Á, từ Ấn Độ, Bhutan, Tây Tạng, Nepal, miền nam Trung Quốc đến các quốc gia Đông Nam Á.

Tại Việt Nam, chúng được tìm thấy ở các tỉnh miền núi phía Bắc, Thanh Hóa, Quảng Bình, Lâm Đồng…

Thức ăn chính của loài rắn này bao gồm ếch, nhái, thằn lằn, chim, các loài gặm nhấm và động vật có vú nhỏ như chuột…

Đặc điểm của rắn sọc đốm đỏ là con non có cơ thể với các vạch đen và vàng xen kẽ nhau, trong đó các khoang vàng thường dài hơn khoang màu đen.


Rắn sọc đốm đỏ non có màu sắc đen, vàng xen kẽ (Ảnh: SIFASV).


Rắn cạp nong, loài rắn sở hữu nọc độc chết người, cũng có màu sắc đen và vàng xen kẽ (Ảnh: Wiki).

Màu sắc này khiến nhiều người lầm tưởng rắn sọc đốm đỏ non với rắn cạp nong, một loài rắn hổ sở hữu nọc độc cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, khi bắt gặp rắn sọc đốm đỏ non, nhiều người sẽ tìm cách giết chết để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt giữa rắn sọc đốm đỏ non và rắn cạp nong. Cụ thể, rắn sọc đốm đỏ non có phần đầu màu vàng, trên đầu có các vạch chạy dọc theo mắt. Phần đuôi của rắn sọc đốm đỏ non cũng có vạch và đuôi thường dài, nhọn.

Trong khi đó, rắn cạp nong có phần đầu màu đen, phần thân hình tam giác với sống lưng nhọn có thể quan sát rõ. Đuôi của rắn cạp nong cũng tù chứ không nhọn như rắn sọc đốm đỏ non.

Khi rắn sọc đốm đỏ trưởng thành, chúng sẽ dài tối đa khoảng 1,2m. Cơ thể của chúng sẽ chuyển sang màu đỏ hoặc màu cam đậm, với các vạch ngang chia cơ thể thành từng khoang. Trên đầu và mắt của rắn trưởng thành vẫn có những vạch đen theo chiều dọc như khi còn nhỏ.

Một số phân loài của rắn sọc đốm đỏ có các vạch đen kéo dài dọc thân, từ đầu đến tận đuôi, hoặc cơ thể được chia ra các phần đen, đỏ riêng biệt.


Rắn sọc đốm đỏ khi trưởng thành (trên) dễ bị nhầm lẫn với loài rắn san hô đầu bạc cực độc (dưới) (Ảnh: iNaturalist).

Màu sắc của rắn sọc đốm đỏ trưởng thành khác biệt hoàn toàn so với lúc còn nhỏ. Tuy nhiên, chúng lại có màu sắc khá giống với san hô đầu bạc, một loài rắn hổ sở hữu nọc độc chết người. Điểm khác biệt giữa hai loài này là san hô đầu bạc có phần đầu màu trắng và không có các vạch dọc trên đầu, mắt như rắn sọc đốm đỏ.

Do vậy, chúng ta cần phải phân biệt rõ giữa rắn sọc đốm đỏ và rắn độc, tránh nhầm lẫn có thể dẫn đến tai nạn đáng tiếc.

Rắn sọc đốm đỏ có độc không?

Như đã đề cập, rắn sọc đốm đỏ là loài thuộc họ rắn nước và không có nọc độc. Là một loài săn chuột, chúng có lợi cho nông nghiệp. Vì vậy, con người không nên giết chết loài rắn này nếu bắt gặp, thay vào đó chỉ nên tìm cách xua đuổi chúng ra xa nếu cảm thấy không an toàn.


Rắn sọc đốm đỏ có màu sắc sặc sỡ, hiền lành và vô hại nên được nhiều người chọn làm vật nuôi trong nhà (Ảnh: TNP).

Nhờ sở hữu màu sắc sặc sỡ, hiền lành và không có nọc độc, rắn sọc đốm đỏ là loài được nhiều người yêu thích bò sát chọn làm vật nuôi. Điều này khiến số lượng loài rắn này ngoài tự nhiên giảm sút do bị săn bắt quá mức.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp chúng ta có khả năng nhận diện một loài rắn hiền lành, hiếm gặp và đẹp mắt, tránh giết nhầm loài rắn săn chuột có ích cho nông nghiệp.

Cập nhật: 01/09/2024 Dân Trí
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video