Thực hư loài rắn cắn 1 phát phải đi tìm quả chuối chín để ăn vì sau chỉ được... cúng chuối xanh!

  •  
  • 7.442

Đây là loài rắn rất đa dạng và phân bố rất nhiều ở Việt Nam nước ta, vậy danh tính của chúng là gì và có thật sự nguy hiểm hay không?

Gần đây, trên một trang Facebook lớn đã chia sẻ hình ảnh một con rắn chụp mặt lưng và bụng của của nó kèm câu hỏi thú vị: "Mọi người cho em hỏi đây là rắn gì ạ, nó có độc không? Ông anh của em vừa bị nó đơm (được hiểu là: đớp, cắn) 1 phát".

Câu hỏi này đã thu hút sự quan tâm và bình luận của rất nhiều người, trong đó có bình luận rất hài hước: "Bị con này cắn thì nhanh chóng tìm quả chuối chín mà ăn ngay. Vì sau này chỉ được cúng toàn chuối xanh thôi" (xem ảnh dưới).


Bình luận hài hước về loài rắn bí ẩn. (Ảnh: Thành Luân).

Vậy thực hư về loài rắn này là như thế nào, nó có thật sự độc hay không?

Sự thật thì đây là một loài rắn hiền lành, vô hại dù có răng nanh, chứ không hề độc chết người như bình luận vui đùa nêu trên. Tên của loài rắn này là rắn khiếm vạch (Tên khoa học là Oligodon octolineatus).

Điểm đặc biệt giúp chúng ta phân biệt rắn khiếm vạch với các loài rắn khiếm khác chính là phần bụng có nhiều đốm nhỏ màu đỏ cam. Cũng vì màu sắc sặc sở này mà rắn khiếm thường bị nhẫm lẫn với các loài rắn độc.

Thực tế thì rắn khiếm không gây nguy hiểm cho con người mặc dù chúng có răng nanh sắc nhọn (rắn khiếm thuộc loài rắn rear-fang (răng nọc nằm sâu trong hàm)). Những chiếc răng này chỉ có nhiệm vụ phá vỡ vỏ trứng (thức ăn yêu thích của chúng) mà thôi.

Mặc dù có vẻ ngoài giống rắn độc và có răng nanh sắc nhọn như kukri, một loại dao có hình dáng đặc biệt của người Nepal (nên loài rắn này còn có tên là kukri snake trong tiếng Anh), tuy vậy răng nanh này lại... vô hại với con người!

Một số loài rắn khiếm.
Một số loài rắn khiếm. (Ảnh: Reptile Village).

Sở dĩ răng nanh này vô hại với con người vì các răng nanh này nối với tuyến Duvernoy nằm ở sau hàm, phía dưới đuôi mắt của rắn (một loại tuyến thường được phát hiện ở họ Rắn nước), tuyến này không chứa nọc độc nguy hiểm với con người.

Rắn khiếm vạch sinh sống ở khu vực Đông và Nam Á và Việt Nam chúng ta cũng có loài rắn này. Hiện này trên thế giới có khoảng 78 loài rắn khiếm khác nhau được công nhận, trong đó ở Việt Nam cũng có khoảng hơn 20 loài rắn khiếm sinh sống, một số loài rắn khiếm như: Rắn khiếm giả sọc đuôi (Oligodon pseudotaeniatus), rắn khiếm vạch (Oligodon taeniatus), rắn khiếm đuôi to (Oligodon macrurus), Rắn khiếm cát (Oligodon arenarius)...

Rắn khiếm có hoa văn rất đẹp nên cũng thường được những người yêu bò sát nuôi làm thú cưng.

Cập nhật: 31/08/2024 Theo Trí Thức Trẻ
  • 7.442