Câu chuyện "lời nguyền của xác ướp" làm xôn xao thế giới sau phát hiện năm 1922 về mộ của Hoàng đế Tutankhamun ở Ai Cập. Lord Carnarvon, nhà tài trợ người Anh, đã chết ít lâu sau khi tham dự mở hầm mộ, làm dấy lên lời đồn đại rằng nguyên nhân sự việc là những thế lực siêu nhiên.
Cái đầu của pharaoh Tutankhamun trước khi được đưa vào máy chụp cắt lớp |
"Khi nghĩ về các hầm mộ Ai Cập, bạn sẽ thấy không chỉ có các xác chết, mà còn cả thực phẩm - thịt, rau, và hoa quả được mai táng trong hành trình đến với thế giới bên kia", Jennifer Wegner, một nhà Ai Cập học tại Bảo tàng Đại học Pennsylvania ở Philadelphia cho biết. "Chắc chắn chúng thu hút côn trùng, vi khuẩn, mốc và những thứ tương tự như vậy. Những vật liệu thô như thế này nằm im ở đó đã hàng nghìn năm".
Các nghiên cứu gần đây trong phòng thí nghiệm đã tiết lộ rằng một vài xác ướp cổ đại quả thực bị mốc, trong đó chứa ít nhất hai loài nguy hiểm tiềm năng - Aspergillus niger và Aspergillus flavus. Những loại nấm mốc này có thể gây ra phản ứng dị ứng nhiều cấp độ, từ sung huyết đến chảy máu phổi. Chúng đặc biệt nguy hiểm đối với những người vốn có hệ miễn dịch kém. Một vài bức tường mộ có thể bị bao phủ bằng loại vi khuẩn phá hoại hệ hô hấp như Pseudomonas và Staphylococcus.
Các nhà khoa học cũng tìm thấy khí ammoniac, formaldehyde và H2S bên trong quách bịt kín. Ở nồng độ cao, chúng có thể gây bỏng mắt và mũi, làm xuất hiện các triệu chứng giống như viêm phổi và trong những trường hợp nặng, có thể gây chết người.
Dơi trú ngụ trong nhiều ngôi mộ đã bị khai quật và phân của chúng mang theo những loại nấm có thể gây bệnh về đường hô hấp giống như bệnh cúm. Trong những điều kiện phù hợp, các tác nhân này có thể đủ độc lực để giết người.
Tuy nhiên, các chuyên gia từng điều tra cái chết của Carnarvon tin rằng chất độc trong hầm mộ không liên quan đến cái chết của ông. Ông già Carnarvon từng bị ốm kinh niên trước khi đặt chân vào nơi yên nghỉ của vị hoàng đế. Thêm nữa, ông tử vong vài tháng sau lần tiếp xúc đầu tiên với ngôi mộ. Nếu ông đã tiếp xúc với các tác nhân sinh học ở đó, chúng sẽ phác tác sớm hơn.
"Xem xét tình trạng vệ sinh vào thời điểm đó, đặc biệt ở Ai Cập, Lord Carnarvon dường như ở trong mộ còn an toàn hơn bên ngoài", tiến sĩ F. DeWolfe Miller, giáo sư về dịch tễ học tại Đại học Hawaii ở Manoa nhận định.
"Chúng tôi chưa từng biết đến dù chỉ là một trường hợp nhà khảo cổ hoặc khách du lịch nào bị bất kỳ tai họa gì (từ nấm mốc hoặc vi khuẩn trong mộ)", Miller nói.
"Trong những dự án khảo cổ mà tôi từng tham gia, chúng tôi nói chung không đeo mặt nạ hoặc các thiết bị chống độc", bà giải thích. "Nếu có làm, đó là vì lo ngại hít thở phải bụi chứ không phải là nấm mốc". "Nếu ai đó có hệ miễn dịch yếu, họ có thể muốn đeo thứ bảo vệ trong mộ, nhưng điều đó cũng xảy ra trong một nhà hàng hoặc bất kỳ nơi nào khác".
Mặc khác, dù nấm mốc và vi khuẩn có mặt trong những ngôi mộ Ai Cập, vẫn không dễ dàng gì để xác định đâu thực sự có nguồn gốc cổ đại. Ngoài ra, dù tất cả các tác nhân có hại này đều hiện diện, thì hầu hết các khu vực khảo cổ, trong đó có cả những ngôi mộ, đều đã được chứng minh là an toàn đối với các nhà khoa học cũng như du khách.
Thực tế, lời nguyền thực sự của xác ướp có thể giáng xuống ngôi mộ, chứ không phải với khách du lịch hiện đại ngày nay. "Không thể đếm hết số ví dụ về những ngôi mộ bị con người đầu độc, hơn là các ngôi mộ đầu độc con người", Miller lý giải. Việc mở cửa các hầm mộ của những người háo hức muốn thực hiện một khám phá mà không suy nghĩ về phương án bảo tồn chúng có thể khiến cho ngôi mộ đối mặt với sự hư hại nghiêm trọng. Độ ẩm đã khiến cho mốc meo mọc lên trên tường, phá hủy các bức vẽ và những tạo vật khác. Đó là chưa kể những hư hại mà du khách mang tới.