Lưu ý khi dùng thuốc có tác dụng kéo dài

Với loại thuốc cho tác dụng kéo dài, hoạt chất được phóng thích từ từ khiến nồng độ thuốc trong cơ thể được ổn định, bệnh nhân không phải uống thuốc nhiều lần (dễ quên). Tuy nhiên, nếu dùng không đúng cách, dạng bào chế này cũng gây nhiều nguy hại.

Ở loại thuốc có tác dụng kéo dài, sau tên biệt dược thường ghi thêm các chữ: LP (libération prolongée= phóng thích kéo dài), LA (long acting = tác dụng kéo dài), SR (sustained release = sự nhả ra từ từ), retard release (nhả ra chậm), slow release (nhả ra chậm), timed release (nhả ra theo thời gian), delayed (chậm)...

Để tạo ra tác dụng kéo dài phải có cách bào chế đặc biệt:

Dạng thuốc viên: Thường dùng kỹ thuật hòa tan, thẩm thấu. Trong kỹ thuật hòa tan, người ta cho dược chất vào các màng bọc polimer có độ dày mỏng hoặc có độ hòa tan khác nhau. Khi vào cơ thể, dược chất phóng thích ra trước hay sau tùy theo độ dày mỏng hay độ hòa tan này. Trong kỹ thuật thẩm thấu, người ta cho dược chất và chất điện giải vào trong một màng bán thấm đã được đục lỗ rất nhỏ, chính xác, đồng nhất (bằng tia laser). Khi vào cơ thể, dịch thấm qua màng bán thấm, hòa các dược chất và chất điện giải, tạo nên áp lực thẩm thấu đẩy dược chất qua lỗ đục ra ngoài.

Dạng viên ngậm: Thường dùng kỹ thuật trộn hoạt chất với tá dược có độ tan chậm. Khi ngậm vào miệng, hoạt chất được phóng thích ra từ từ.

Dạng thuốc tiêm: Thường dùng một dung môi đặc biệt hoặc một cách gắn kết đặc biệt với dung môi, tiêm vào vị trí nhất định để làm giảm độ thải trừ của dược chất, làm cho chúng tồn tại lâu trong cơ thể.

Thuốc tác dụng kéo dài có mấy điểm lợi

Đỡ phải dùng nhiều lần trong ngày hoặc trong đợt điều trị: Trong cùng một thời gian, người tăng huyết áp nếu uống adalat retard (nifedipin chậm) thì số lần dùng thuốc sẽ ít hơn so với adalat (nifedipin thường). Với người bị bệnh mạn tính phải dùng thuốc hàng năm hay suốt đời như người bị động kinh (dùng thuốc tergeton LP)hay tiểu đường (dùng glizipid LP), dạng bào chế này sẽ tiện lợi hơn rất nhiều. Người vùng cao tùy theo mức độ thiếu iod, chỉ cần tiêm một lần 0,2 ml-0,5 ml, cao nhất là 1 ml lipiodol là sẽ phòng được bệnh bướu cổ đơn thuần 3 năm. Đây là điều rất lợi cho những người bị bệnh mạn tính, phải dùng thuốc nhiều lần trong ngày, kéo dài, thường người già hay bị mắc và dễ quên.

Tập trung thuốc được tại một vị trí để có tác dụng cao: Trong điều trị, có khi rất cần hoạt chất giải phóng dần dần tại một chỗ nhất định. Viên kẹo ngậm tan chậm mycelex troches (chứa clotrimazol) sẽ giải phóng ra hoạt chất để chữa nhiễm candida tại miệng và hầu. Viên nhét mycelex - 7 - vaginal inserts (chứa 100 mg clotrimazol) mỗi lần đi ngủ chỉ cần cho một viên vào âm đạo để chữa nấm candida âm đạo. Nếu không dùng loại viên ngậm hay viên nhét tác dụng chậm này thì phải dùng thuốc nhiều lần với hàm lượng hoạt chất cao hơn.

Ít gây ra ngộ độc cấp dù dùng liều cao hơn: Dùng adalat 10 mg đôi khi gây tụt huyết áp đột ngột nhưng dùng adalat retard 20 mg thì hầu như không có tác dụng phụ này. Bởi vì khi vào cơ thể, adalat được phóng thích vào dịch cơ thể dần dần.

Tuy nhiên nếu dùng không đúng, thuốc sẽ không có hiệu lực, đôi khi còn gây hại:

Thuốc tác dụng kéo dài thường có tác dụng chậm, dùng trong trường hợp cấp cứu sẽ không có hiệu quả. Thí dụ, một người bệnh bị sốt cao cần phải hạ nhiệt ngay thì không thể dùng aspirin - pH8 (vì aspirin - pH8 đòi hỏi thời gian đi qua dạ dày, đến ruột mới tan ra dần và phát huy hiệu lực) mà phải dùng ngay paracetamol, cần nữa thì dùng paracetamol đặt vào trực tràng để từ trực tràng thuốc đi thẳng vào máu.

Trong từng đơn vị thời gian, thuốc tác dụng kéo dài giải phóng ra một lượng hoạt chất đủ liều chữa bệnh. Khi dùng, nếu không tính toán kỹ liều hay không dùng đúng thời điểm thì sẽ có hại. Giữa hai lần dùng thuốc chữa tiểu đường glizipid LP, nếu ta dùng thêm thuốc này hay một thuốc hạ glucose khác thì hoạt chất trong thuốc cũ tiếp tục phóng thích ra cộng với hoạt chất trong thuốc mới dùng thêm sẽ làm quá liều, gây hạ glucose quá mức.

Quan trọng hơn cả, việc dùng sai cách sẽ làm phá hủy cấu trúc sản phẩm và làm thuốc mất tác dụng kéo dài, đôi khi còn gây độc. Với dạng thuốc viên, phải uống cả viên, không được bẻ ra hoặc nhai. Nếu bẻ ra hoặc nhai thì màng bọc polimer hay màng bán thấm bị vỡ, hoạt chất sẽ giải phóng ra ồ ạt một lúc, gây độc. Ví dụ, liều tác dụng của adalat là 10 mg. Khi ta dùng adalat retard 20 mg mà bẻ ra hoặc nhai thì sẽ làm hoạt chất phóng thích ra cùng lúc 20 mg, gấp đôi liều cần thiết, gây tụt huyết áp đột ngột.

Một dạng thuốc tiêm tan trong dầu được quy định tiêm dưới da, nếu ta tiêm sâu vào bắp thì hoạt chất sẽ không được bao bọc bởi lớp mỡ dưới da nữa, phóng thích ra nhanh hơn, không kéo dài được tác dụng như ý muốn.

DS Hữu Nam (Sức Khỏe & Đời Sống)

Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video