Các nhà khoa học vừa phát hiện chiếc mạng nhện lớn nhất thế giới tại đảo quốc Madagascar với chiều dài lên tới 25 m.
BBC cho biết, mạng nhện nói trên trải dài qua hai bờ của một dòng sông. Con nhện tạo ra chiếc mạng khổng lồ thuộc loài Caerostris Darwini. Đây là một loài hoàn toàn mới đối với giới khoa học. Do kích thước lớn nên “ngôi nhà” của con nhện có thể bắt từ 30 con côn trùng trở nên tại một thời điểm bất kỳ.
Mạng nhện trải dài từ bờ sông bên này sang bờ sông bên kia.
Đây là mạng nhện lớn nhất mà giới khoa học từng biết do một con nhện còn sống tạo ra.
Giáo sư Ingi Agnarsson, giám đốc Bảo tàng Động vật thuộc Đại học Puerto Rico tại Puerto Rico cùng một đồng nghiệp phát hiện nhiều con nhện Caerostris darwini dọc theo sông Namorona trên quốc đảo Madagascar. Ngoài mạng nhện có độ dài 25 m nói trên, hai chuyên gia còn nhìn thấy nhiều mạng khác có kích thước nhỏ hơn một chút.
Năm ngoái giới khoa học phát hiện một loài nhện mới có tên Nephila komaci tại châu Phi và đảo Madagascar. Tuy nhiên, đường kính tối đa của những chiếc mạng do chúng tạo ra chỉ là 1 m.
“Nhện C. darwini dệt nên tấm mạng ngay phía trên mặt nước của sông, hồ. Đó là môi trường mà không có bất kỳ loài nhện nào khác có thể dệt nên mạng”, giáo sư Agnarsson phát biểu.
Độ dài của mạng lên tới 25 m.
Vị trí giữa hai bờ sông cho phép nhện C. Darwini bắt những con côn trùng bay phía trên mặt nước. Để di chuyển từ bờ bên này sang bờ bên kia, con nhện phải nhả ra những sợi tơ có chiều dài tới 25 m. Vì khoảng cách xa như vậy nên các sợi tơ rất chắc và dai để có thể chịu được sức nặng của con nhện và những con mồi.
Agnarsson cho biết, ông sẽ tiếp tục nghiên cứu để tìm hiểu xem nhện C. darwini làm cách nào mà có thể di chuyển từ bờ sông bên này sang bờ sông bên kia khi không có vật gì để bám và nó không có khả năng bay.
Phát hiện được công bố trên tạp chí Arachnology.