Mặc dù bất đồng ý kiến về nguyên nhân khiến mọc trời mọc sớm bất thường tại đảo Greenland, giới khoa học vẫn nhất trí với nhau rằng đó chỉ là hiện tượng riêng lẻ và không phải là dấu hiệu mùa xuân đến sớm khắp bán cầu bắc.
Mặt trời mọc tại đảo Greenland. Ảnh: flickr.com.
Người dân tại thị trấn Ilulissat ở phía tây đảo Greenland sửng sốt khi thấy mặt trời nhô lên từ đường chân trời hôm 11/1, sớm hơn hai ngày so với mọi năm.
“Hoạt động mọc lên của mặt trời không hề thay đổi, bởi điều đó chỉ xảy ra khi các thông số liên quan tới quỹ đạo của mặt trời và trái đất thay đổi”, giáo sư John Walsh, chuyên gia về khí quyển của Đại học Alaska Fairbanks, phát biểu với Livescience.
Thành phố Fairbanks, bang Alaska, Mỹ nằm ở đường vĩ tuyến 1 độ Bắc – đủ xa để mặt trời không biến mất trong suốt mùa đông. Đây là thành phố nằm gần cực bắc nhất của nước Mỹ. Năm nay mặt trời vẫn mọc bình thường tại Fairbanks như mọi năm.
“Không có gì khác thường ở Fairbanks”, Walsh nói.
Walsh và các nhà khoa học khác nhất trí rằng không có bằng chứng nào cho thấy trục trái đất dịch chuyển hay bất kỳ sự thay đổi nào khiến các mùa đến sớm hay muộn hơn trên toàn cầu.
Các nhà khoa học cũng loại trừ các nguyên nhân khác, như tác động của năm nhuận sắp tới (2012). Thomas Posch, một nhà nghiên cứu thuộc Viện Thiên văn Áo, nói rằng khi năm nhuận sắp tới, mặt trời mọc ở vị trí thấp hơn so với thường lệ ở bán cầu bắc vào ngày 11/1.
Khả năng cao nhất là hiện tượng khúc xạ ánh sáng mặt trời ở đường chân trời. Phần lớn nhà khoa học mà Livescience phỏng vấn đều đồng ý rằng khúc xạ ánh sáng có thể là thủ phạm.
Trên thực tế, theo Walsh, đây là hiện tượng phổ biến. Ánh sáng “gãy” khi nó xuyên qua các tầng không khí có mật độ phân tử khác nhau. Do đó con người thường cảm thấy mặt trời có vẻ thấp hơn ở đường chân trời khi chúng ta nhìn thấy những tia nắng đầu tiên. Không khí bên trên Greenland phân chia thành nhiều tầng hơn nhiều nơi khác nên ánh sáng mặt trời bị khúc xạ nhiều hơn, khiến người dân cảm thấy mặt trời mọc sớm hơn thường lệ.