Máy "chuột chũi" của NASA chui xuống lòng đất sao Hỏa

Máy dò nhiệt với biệt danh "chuột chũi" bắt đầu chui xuống lớp đất đá trên bề mặt sao Hỏa để nghiên cứu sau hơn một năm gặp trở ngại.

Trạm đổ bộ InSight đáp xuống sao Hỏa tháng 11/2018 với nhiệm vụ giúp giới khoa học thu thập dữ liệu, qua đó hiểu thêm về địa chất và cấu trúc bên trong hành tinh đỏ. Chuột chũi là một trong ba công cụ cốt yếu của InSight được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia phụ trách không thể khiến nó hoạt động như kế hoạch.

Sau nhiều nỗ lực trong hơn một năm qua, cuối cùng nhiệm vụ của chuột chũi cũng tiến triển, Live Science hôm 6/6 đưa tin. "Với vài sự trợ giúp từ cánh tay robot, có vẻ chuột chũi giờ đã ở dưới lòng đất. Việc khắc phục sự cố từ khoảng cách hàng chục triệu km thực sự là thách thức lớn. Chúng tôi vẫn cần theo dõi xem máy dò nhiệt có thể tự đào xuống sâu hơn không", nhóm phụ trách chia sẻ trên mạng xã hội Twitter.

Chuột chũi được trang bị hàng loạt cảm biến nhiệt và gắn vào thân chính của trạm đổ bộ InSight bằng dây nối giống một chiếc đuôi. Nó hoạt động trong vùng đồng bằng Elysium Planitia, có khả năng đào sâu tới 5 mét. Theo kế hoạch, khi chuột chũi chui xuống, các cảm biến nhiệt sẽ nghiên cứu đất đá mà nó đào qua và đánh giá năng lượng phát ra từ lõi sao Hỏa.

Chuột chũi là loại công cụ mới trong công cuộc khám phá hành tinh đỏ. Các chuyên gia đã thử nghiệm nó rất kỹ trong thùng chứa đất, nhưng những thử nghiệm như vậy sẽ không thể trùng khớp hoàn toàn với tình huống trên sao Hỏa. Chuột chũi gặp khó khăn ngay khi bắt đầu đào xuống bề mặt hành tinh đỏ. Nó luôn bị mắc kẹt hoặc bật ra. Nhóm phụ trách đã thử rất nhiều cách nhưng đều gặp trở ngại.

Theo giải pháp mới nhất, trong lúc chuột chũi tự đào xuống, cánh tay robot của InSight sẽ đẩy nhẹ phía sau, ngăn nó bị bật ra. Đây là công việc đòi hỏi sự tinh tế. Các chuyên gia cần thận trọng để không làm hư hại dây nối giữa chuột chũi và trạm đổ bộ.


Trong lúc chuột chũi tự đào xuống, cánh tay robot của InSight sẽ đẩy nhẹ phía sau, ngăn nó bị bật ra.

Giải pháp này đã mang lại thành công bước đầu, theo Tilman Spohn, trưởng nhóm phụ trách chuột chũi. Hiện công cụ này gần như hoàn toàn nằm trong lòng đất sao Hỏa. Nó đã chui xuống thêm khoảng 7 cm từ ngày 11/3 đến 30/5. Tiếp theo, chuột chũi sẽ phải tự chui xuống sâu hơn, ngoài tầm trợ giúp của cánh tay robot. Điều này phụ thuộc vào lực bám của nó với đất đá xung quanh.

Tuy nhiên, những yếu tố bên ngoài có thể sắp gây khó khăn cho công việc của chuột chũi. "Mùa đông đang đến với Bắc bán cầu của sao Hỏa và mùa bão bụi sẽ sớm bắt đầu. Khí quyển đã trở nên bụi bặm hơn, năng lượng mà các tấm quang năng tạo ra bắt đầu giảm. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc chúng tôi tiến hành những hoạt động tiêu tốn năng lượng với cánh tay robot trong tương lai gần", Spohn cho biết.

Cập nhật: 09/06/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video