Nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy, cà ri không chỉ là gia vị mà còn có tác dụng chống viêm, chống ôxy hóa và đặc biệt là chống ung thư nhờ có curcumin – chất làm nên màu vàng đặc trưng của cà ri.
Tuy vậy, một số chuyên gia cho rằng, việc dung nạp chất này bằng cách ăn nhiều cà ri lại không hiệu quả do phần lớn gia vị đều bị dạ dày phân hủy. Do đó, các nhà khoa học thuộc Đại học Louisville (Mỹ), trong một nghiên cứu mang tính đột phá, đã phát triển một phương thức mới đưa chất chiết xuất từ cà ri vào cơ thể nhằm làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư.
Theo báo cáo đăng trên tạp chí khoa học Cancer Prevention Research, nhóm chuyên gia đã chế tạo một thiết bị hình viên thuốc dài khoảng 2mm chứa 200 miligram bột cà ri. Họ tiến hành thí nghiệm trên hai nhóm chuột bị ung thư, trong đó, mỗi con chuột trong nhóm 1 được cấy 2 thiết bị chứa bột cà ri trong khi nhóm còn lại áp dụng chế độ ăn có gia vị này.
Kết quả sau 4 tháng theo dõi, họ phát hiện chế độ ăn uống có cà ri không mang lại hiệu quả gì nhưng ở nhóm chuột sử dụng viên nang chứa tinh chất curcumin, các khối u của chúng đã teo nhỏ khoảng 1/3 và các tế bào bệnh cũng không sinh sôi thêm. Các chuyên gia cho rằng, chất curcumin đã ức chế tác động của các hormone nuôi dưỡng các tế bào ung thư phát triển.
Hiện nhóm nghiên cứu đang tìm hiểu làm thế nào để đưa đủ lượng curcumin vào dòng máu nhằm chữa trị ung thư hiệu quả, trong khi các nhóm khác đang điều nghiên xem liệu tiêm curcumin trực tiếp vào các khối u có thể giúp bệnh nhân ung thư vú trị khỏi căn bệnh hay không.
Được biết, Hiệp hội Nghiên cứu ung thư Anh cũng đang tài trợ cho một thử nghiệm để xem chất curcumin có tăng hiệu quả hóa trị ở bệnh nhân ung thư ruột. Kết quả của những thử nghiệm này sẽ được công bố vào năm tới.