Mối nguy hiểm mang tên chuột túi

Bộ quốc phòng Australia đang thực hiện việc loại bỏ hàng trăm con chuột túi vùng ngoại ô thủ đô Canberra, gây nên những tranh luận nóng bỏng và những dòng tít lớn trên phạm vi quốc tế.

Loài động vật biểu tượng cho nước Úc đã tăng lên gấp nhiều lần trong những năm gần đây, hiện nay Canberra có số lượng chuột túi lớn gấp 3 lần số dân cư trú. Tình hình càng trở nên nghiêm trọng tại hai khu vực khép kín của quân đội ở vùng ngoại ô thành phố, những nơi này trở thành địa điểm trú ẩn lý tưởng cho loài chuột túi xám miền Đông (Macropus giganteus). 

Đồng cỏ ở Australia đang được chăn thả quá mức để lại những hậu quả nghiêm trọng cho các loài động vật khác. Đây là những vùng đồng cỏ tự nhiên ít ỏi ở Australia đồng thời là nơi bảo tồn các loài động vật đang bị đe dọa, như loài bướm mặt trời vàng (Synemon plana) và loài rồng không tai đồng cỏ (Tympanocryptis pinguicolla) - một trong những loài thằn lằn hiếm nhất thế giới. Khoảng 400 trong số 600 con chuột túi trong khu vực 200 hecta đất quân đội sẽ bị giết trong những ngày tới bằng mũi tiêm gây tử vong sau khi chính phủ bác bỏ chương trình tái định cư vì kinh phí quá lớn. Việc tái định cư đơn giản chỉ là di chuyển vấn đề này sang một nơi khác. Trong nhiều năm, các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu môi trường Helmholtz (UFZ) tại Leipzig đã điều tra về hậu quả của việc phân hóa và biến đổi đồng cỏ tự nhiên đối với tính đa dạng của các loài trong vùng.

Loài chuột túi xám miền Đông (Macropus giganteus) luôn được coi là một phần của thành phố Canberra (Australia) nổi danh với biệt hiệu “thủ đô với những lùm cây”. Nhưng ngay cả những nhà khoa học tại Leipzig thuộc Trung tâm nghiên cứu môi trường Helmholtz (UFZ) cũng ngạc nhiên với số lượng chuột túi ở đây. Trong luận văn tiến sĩ của mình, Anett Richter điều tra ảnh hưởng của sự phân hóa và biến đổi môi trường sống ở đồng cỏ tự nhiên thuộc lãnh thổ thủ đô Australia (ACT) đến một số loài không xương sống ví dụ như bọ cánh cứng đất. Tuy nhiên trong những lần đi thực tế của mình bà phát hiện rằng số lượng của các loài bị ảnh hưởng còn ít hơn nhiều so với con số dự đoán.

Loài rồng không tai đồng cỏ (Tympanocrytis pinguicolla) là một trong những loài thằn lằn hiếm nhất trên thế giới (Ảnh: Tilo Arnhold/UFZ)


Những gì bà tìm thấy chỉ là những đồng cỏ khô hạn, trơ trụi và nứt nẻ do đợt hạn hán nặng nề nhất tại Australia trong suốt thế kỷ vừa qua. Đặc biệt, bà rất ngạc nhiên khi thấy một lượng lớn phân chuột túi, nhất là trong khu vực khép kín của quân đội. “Kết quả nghiên cứu phân hóa vẫn chưa có. Nhưng chúng tôi cho rằng có sự liên hệ ở các địa điểm riêng lẻ giữa mật độ chuột túi vô cùng đông đúc và tính đa dạng của các loài động vật không xương sống – đặc biệt trong thời gian khô hạn.”

Nhưng con người cũng có phần trách nhiệm. Vùng đồng cỏ rộng lớn từng là địa hạt của thổ dân, họ sử dụng hệ sinh thái nhạy cảm này một cách hợp lý qua việc săn bắn và quản lý lửa. Các loài động vật ăn thịt hoang dã như chó dingo kiểm soát số lượng chuột túi. Khi Australia được hình thành 200 năm trước đây, đầu tiên đồng cỏ mất dần rồi sau đó sự phát triển của các thành phố như Canberra dẫn tới thay đổi hoàn toàn cấu trúc phong cảnh.

Ngày nay, đô thị hóa và tập trung nông nghiệp khiến cho phần lớn diện tích Australia có sự phân hóa cao, với nguy cơ mất đi tính đa dạng sinh học. Tuy nhiên, con người đã cải thiện đáng kể việc cung cấp nước cho chuột túi bằng cách lắp đặt máng nước và các hệ thống cung cấp nước khác. Thông thường, những con chuột túi yếu hơn trở thành nạn nhân của hạn hán trong mùa khô. Hiện nay chúng có thể sống sót nhờ máng nước nhân tạo giúp duy trì số lượng loài, điều này có thể gây tổn hại đến thảm thực vật. Không giống các loài động vật khác, chuột túi thích nghi tốt với sự hiện diện của con người. Ở nhiều vùng tại Australia, chuột túi bị săn bắt lấy thịt xuất khẩu.

Thủ đô Canberra là một ví dụ điển hình của việc con người làm biến đổi mạnh mẽ lục địa thứ năm kể từ khi người châu Âu định cư ở đây từ hơn 200 năm trước. Canberra trước đây là một vùng đồng cỏ tự nhiên thống trị hầu hết địa hình vùng đông nam nước Úc. 5% diện tích đồng cỏ địa phương còn tồn tại trong lãnh thổ thủ đô, và chỉ có 1% tồn tại trên toàn bộ vùng đông nam nước Úc cho đến ngày nay. Sự mất mát nhanh chóng này khiến những đồng cỏ tự nhiên được ghi vào danh sách một trong những hệ sinh thái bị đe dọa lớn nhất tại Úc. Các đồng cỏ còn lại tại Canberra đang bị đe dọa bởi nhịp độ phát triển đô thị, hạn hán hay số lượng chuột túi quá nhiều. Chỉ vài năm trước đây cư dân thủ đô đã rất vui mừng khi biết đến sự kiện tái phát hiện một loài vật được cho là đã tuyệt chủng.

Loài rồng không tai đồng cỏ (Tympanocrytis pinguicolla) là một trong những loài bò sát hiếm nhất trên thế giới. Chỉ một số ít tồn tại ở vùng ngoại ô Canberra. Loài thằn lằn nhỏ bé này, cân nặng chỉ 5 gam, rất giỏi ngụy trang. Chính vì vậy mà trong một thời gian dài chúng được cho là đã tuyệt chủng. Cho đến năm 1991 khi tiến sĩ sinh vật học Will Osborne thuộc học viện sinh thái học ứng dụng tại đại học Canberra tình cờ lấy chân đẩy một viên đá: “Thứ đột nhiên hiện ra bên dưới là một trong những khoảnh khắc hồi hộp nhất trong đời tôi. Cho đến nay tôi vẫn không biết làm cách nào tôi có thể nhấc cậu con trai của mình xuống khỏi vai nhanh như vậy để có thể chạy theo con thằn lằn này và túm lấy nó.”

Rồng không tai được cho là đã biến mất trong vòng 30 năm. Osborne cho biết: “Rất khó để có kế hoạch bảo tồn một loài vật khi chưa có nhiều điều được biết về chúng.” Trong những năm gần đây các đồng nghiệp của ông, cùng với các nhà nghiên cứu từ Trung tâm nghiên cứu môi trường Helmholtz (UFZ) tại Leipzig đã tìm hiểu thói quen của loài bò sát này để có hiểu biết sâu hơn về hệ sinh thái đồng cỏ.

Giống như những con rồng trong chuyện cổ tích, loài rồng đồng cỏ không tai này sống trong hang như hang nhện. Đó là nơi trú ẩn tuyệt vời cho chúng. Chúng thậm chí có thể sống sót qua những đám cháy. Tuy nhiên, chúng không linh động lắm và có nguy cơ trở thành nạn nhân của vấn đề thay đổi địa hình. Trong các nghiên cứu di truyền, tiến sĩ Marion Höhn điều tra việc liệu những con rồng không tai này có tương tác với nhau hay không: “Nếu không, nguy cơ của việc không sinh đẻ sẽ dẫn tới sự tuyệt chủng của loài vật nhỏ bé này”.

Tuy nhiên, điều đầu tiên là chúng phải sống sót trong những năm tới. Chúng cần nguồn cung cấp côn trùng đầy đủ làm thức ăn, điều này phụ thuộc vào sự đa dạng của các loài cỏ cùng với cấu trúc thảm sinh vật tương xứng. Nghiên cứu bậc sau tiến sỹ được Christina Castellano thực hiện với sự hỗ trợ của sân bay quốc gia Canberra nhằm trực tiếp điều tra tác động của chuột túi, việc chăn thả vật nuôi đối với sự tồn tại của loài rồng không tai. Hành động loại bỏ số lượng chuột túi thừa mứa đem lại cho các nhà nghiên cứu từ cả hai học viện cơ hội nhằm nghiên cứu tác động của việc chăn thả đối với quần thể động vật đồng cỏ.

Để khắc phục những khó khăn từ khu vực quân đội rào kín cũng như số lượng chuột túi lớn, một số các dự án nghiên cứu tại Canberra đang hướng tới phương pháp kiểm soát sinh đẻ hữu hiệu đối với chuột túi. Gần đây, các nhà khoa học đã tìm ra cơ chế quản lý mặc dù có thể là quá muộn đối với một số loài bị nguy hiểm và thường bị bỏ sót. Đây là lý do tại sao hiện tại không có giải pháp nào khác để giảm số lượng chuột túi ngoài việc loại bỏ chúng nhằm bảo vệ quần thể thực vật cũng như động vật nhạy cảm ở vùng ngoại ô thủ đô Canberra nước Úc. 

Trà Mi (Theo ScienceDaily)
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video