Mực bạch tuộc tấn công camera dưới biển sâu

Cuộc tấn công bất ngờ của mực bạch tuộc với camera dưới nước hé lộ cách chúng sử dụng cơ quan phát quang sinh học cực lớn để bắt mồi.


Mực bạch tuộc bất ngờ tấn công camera. (Video: UWA)

Một trong những loài mực hiếm thấy nhất thế giới phát quang sinh học chói mắt khi tấn công camera dưới nước ở vùng biển sâu. Nhóm nghiên cứu đến từ Hiệp hội Minderoo và Trung tâm nghiên cứu biển sâu thuộc Đại học Western Australia (UWA) ghi hình cuộc đụng độ ở độ sâu 1.000m bên dưới bề mặt Thái Bình Dương, sử dụng camera gắn mồi nhử thả trôi tự do xuống vùng biển gần eo biển Samoa, khu vực nước sâu chảy qua phía bắc Samoa, Live Science hôm 30/5 đưa tin.

Nhóm chuyên gia phát hiện con mực trong khi sử dụng tàu nghiên cứu để ghi lại sự đa dạng của vùng biển khơi tăm tối. Con vật trong video là mực bạch tuộc Dana (Taningia danae), thành viên trong họ Octopoteuthidae chuyên ăn cá biển, giác xác và nhiều loài mực khác. Những loài mực trong họ Octopoteuthidae có 8 cánh tay, đó là lý do chúng được gọi là mực bạch tuộc. Khi còn nhỏ, chúng có hai xúc tu dài nhưng sẽ mất đi khi trưởng thành.

Cá thể thuộc loài mực bạch tuộc Dana nổi tiếng với kích thước to lớn. Cá thể dài nhất từng được ghi nhận là một con cái 2,3 mét, theo nghiên cứu năm 2003. Con mực trong video mới dài khoảng 75 cm, theo thông báo của UWA. Nó xuất hiện đột ngột từ bóng tối và lao vọt tới camera, dùng cánh tay trùm lên thiết bị rồi bỏ đi nhanh chóng. Ngay trước khi bám vào camera, con mực sử dụng cặp cơ quan phát sáng gọi là thể phát quang, ở đầu hai cánh tay.


Mực bạch tuộc tấn công camera vì tưởng nhầm là con mồi.

Thể phát quang của mực bạch tuộc Dana phát ra ánh sáng do phản ứng hóa học. Đây là cơ quan phát quang lớn nhất trong vương quốc động vật nhưng giới khoa học hiếm khi chứng kiến loài mực này sử dụng ánh sáng sinh học khi hành động, theo Heather Stewart, nhà địa chất học hải dương ở UWA. Các nhà nghiên cứu tin rằng thể phát quang của mực giúp làm tê liệt con mồi trong vùng nước tối dưới biển sâu, đồng thời giao tiếp với đồng loại. Những con mực này có thể thay đổi kiểu nhấp nháy bằng cách điều khiển màng giống mí mắt che phủ cơ quang phát sáng.

Stewart giải thích con mực trong video tấn công camera vì tưởng rằng đó là con mồi và tìm cách khiến con mồi hoảng sợ bằng ánh sáng phát quang sinh học của nó. Nhìn chung, giới nghiên cứu biết rất ít về hành vi của mực bạch tuộc Dana do hiếm khi bắt gặp cá thể sống. Nhiều ghi chép về loài vật đến từ mẫu vật mắc cạn, đánh bắt nhầm hoặc lấy từ dạ dày cá voi, theo Jamieson, giám đốc Trung tâm nghiên cứu biển sâu của UWA. Cá thể sống đầu tiên được phát hiện cách đây 19 năm bởi các nhà nghiên cứu sử dụng hệ thống camera tương tự.

Cập nhật: 01/06/2024 VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video