Báo trực tuyến 'La Prensa' của Panama cho biết, ngày 18-7, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã khởi động đồng thời tại Panama và Costa Rica một dự án nghiên cứu vùng đỉnh tầng đối lưu để tìm hiểu quá trình biến đổi khí hậu và tình trạng suy yếu của tầng ozon.
Nghiên cứu này kéo dài một tháng với sự tham gia của 400 nhà nghiên cứu thuộc tám trung tâm của NASA, 14 trường đại học và hơn 20 cơ quan khoa học của Mỹ và quốc tế. Cuộc nghiên cứu lần này nhằm nhận biết thành phần hóa học, động lực học và quá trình vật lý xảy ra tại tầng khí quyển cao của trái đất, có liên quan trực tiếp đến quá trình biến đổi khí hậu.
Theo TTXVN, tại Panama, các chuyên gia của NASA đã triển khai lắp đặt một trạm nghiên cứu bầu khí quyển tại tỉnh miền Trung Los Santos, cách thủ đô Panama 300 km về phía Tây. Hằng ngày, 3 máy bay DC-8, WB-57 và ER-2 được trang bị đầy đủ các thiết bị chuyên dụng sẽ cất cánh tại sân bay quốc tế Juan Santamaria) của Costa Rica để thu thập thông tin về thời tiết.
Ngoài ra, hai rađa loại lớn băng tần C và S, bên cạnh các khí cầu thăm dò được thả tại hai khu vực trên cũng sẽ cung cấp một cách hiệu quả các thông tin về khí hậu và thời tiết.
NASA chọn Panama và Costa Rica để triển khai nghiên cứu trên vì tại các nước này thường xuất hiện các dòng đối lưu khí quyển và những đám mây thẳng đứng.