Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết khói từ những đám cháy lớn ở Australia sẽ sớm lan ra toàn cầu.
Hỏa hoạn khổng lồ đã hoành hành dọc bờ biển phía đông của Australia trong nhiều tháng, đẩy khói lan khắp Thái Bình Dương.
NASA cho biết những luồng khói từ các đám cháy đầu năm mới đã đi qua Nam Mỹ, khiến bầu trời trở nên mờ mịt và di chuyển "nửa vòng Trái Đất" vào ngày 8/1.
"Khói dự kiến sẽ tạo ra ít nhất một tròn kín trên toàn cầu", cơ quan vũ trụ Mỹ cho biết.
Khói bốc lên nhìn từ Trạm Vũ trụ Quốc tế. (Ảnh: NASA).
NASA cho biết các đám cháy gần đây lớn đến nỗi chúng đã tạo ra số lượng "lớn bất thường" các hiện tượng mây vũ tích hoặc hỏa hoạn do sấm sét.
Chúng đã đưa khói lên tầng bình lưu, một số đạt tới độ cao 17,7km.
"Khi ở trong tầng bình lưu, khói có thể đi xa hàng nghìn km từ nguồn của nó, ảnh hưởng đến điều kiện khí quyển toàn cầu", NASA cho biết.
Cơ quan này nói rằng họ đang nghiên cứu ảnh hưởng của khói ở độ cao này và liệu nó có "làm mát hoặc làm ấm khí quyển" hay không.
Ảnh vệ tinh cho thấy khói đi về phía New Zealand vào ngày 5/1. (Ảnh: NASA).
NASA lưu ý rằng khói đã làm thay đổi màu sắc của bầu trời ở Nam Mỹ và ảnh hưởng đáng kể đến New Zealand, nơi nó "gây ra các vấn đề nghiêm trọng về chất lượng không khí" và "tuyết trên đỉnh núi tối rõ rệt".
Theo BBC, các thành phố lớn của Australia bao gồm Sydney, Melbourne, Canberra và Adelaide cũng phải chịu đựng mức chất lượng không khí nguy hiểm do khói từ các vụ cháy rừng gần đó.
Hàng trăm vụ cháy rừng trên khắp Australia đã khiến 28 người thiệt mạng và phá hủy hơn 2.000 ngôi nhà.
Các chuyên gia cho biết quy mô và cường độ chưa từng có của các vụ hỏa hoạn đã bị làm trầm trọng thêm bởi biến đổi khí hậu.