Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thử nghiệm thế hệ cánh máy bay mới với đặc điểm "biến hình", có thể tiết kiệm chi phí nhiên liệu và giảm tiếng ồn khi bay.
Máy bay có cánh "tự biến hình"
Nhờ các dạng vật liệu đúc liền và có thể uốn cong, bề mặt cánh máy bay có thể thay đổi hình dạng giữa chuyến bay. Vật liệu nhẹ tiên tiến được sử dụng để chế tạo bộ phận cánh linh hoạt, do đó sẽ không chỉ giảm trọng lượng của kết cấu cánh mà còn cho phép các kỹ sư thiết kế và biến đổi chúng, giúp cải thiện chi phí nhiên liệu khoảng 12%.
Đặc điểm thay đổi hình dạng ở bộ phận cánh sẽ tiết kiệm chi phí nhiên liệu cho các chuyến bay. (Ảnh: NASA)
Cánh thay đổi hình dạng có thể thay thế cánh tà sau, bộ phận có các cạnh cứng tạo lực cản và tiếng ồn. Khi hạ cánh, cánh tà sau sẽ tăng kích thước của cánh và làm chậm tốc độ của phi cơ. Trong khi đó, bộ phận mới có thể uốn cong một cách linh hoạt để thực hiện chức năng tương tự. Ngoài ra, nó còn giảm tiếng ồn và tác động của môi trường trong khi bay.
NASA đã thử nghiệm với 22 chuyến bay trong 6 tháng tại trung tâm nghiên cứu bay Armstrong ở bang California. "Chúng tôi rất vui mừng khi hoàn thành mục tiêu thử nghiệm mà không gặp bất kỳ trở ngại kỹ thuật lớn nào", Wired dẫn lời Pete Flick, giám đốc chương trình của Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân Mỹ (AFRL), cho hay.
Các nhà khoa học cho biết công nghệ này còn có thể bổ sung cho các loại máy bay hiện có, với hy vọng tạo ảnh hưởng sâu rộng đối với tương lai của ngành hàng không.