Nên đi giày vào nhà hay bỏ ngoài cửa? - câu hỏi gây nhiều tranh cãi ở Mỹ

Nếu bạn từng đến thăm nhà một người bạn mới, có thể bạn đã rơi vào tình huống khó xử không biết nên đi cả giày vào nhà hay cởi giày rồi mới vào.

“Nghi thức” này dễ khiến bạn lúng túng vì nó liên quan đến văn hóa xã giao và sở thích cá nhân. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng bằng cách cởi giày, bạn có thể giúp ích cho sức khỏe của chủ nhà.


Nghiên cứu cho thấy để giày ngoài thềm cửa (như ngôi nhà này ở Hawaii) có thể hạn chế bụi và những chất độc như chì xâm nhập nơi ở của bạn. (Nguồn: National Geographic) .

Dưới đây là một số lý do vì sao các nhà khoa học khuyến khích bạn để giày ngoài cửa:

Tập tục khác nhau

Không có gì ngạc nhiên khi một số người cảm thấy ngại phải cởi giày trước khi vào nhà. Học giả về truyền thông liên văn hóa Lucyna Aleksandrowicz-Pędich cho rằng việc cởi giày trước khi vào nhà là "hành động tượng trưng cho việc vượt qua ranh giới giữa nơi công cộng và chốn riêng tư".

Ở một số không gian như nhà thờ Hồi giáo, đó là ranh giới đó tính thiêng liêng và sự trần tục. Nhưng tập tục cởi giày lại phổ biến trên thế giới với nhiều lý do và cách diễn giải khác nhau.

Ví dụ, ở Đông Nam Á, đồ nội thất và thậm chí cả kiến trúc ngôi nhà đều thúc đẩy văn hóa không đi giày trong nhà.

Ở New Zealand, đi chân trần phổ biến cả ở trong nhà và ngoài trời, trong khi hầu hết người Đức có riêng một đôi "giày đi trong nhà," khác với đôi họ đi ngoài đường.

Còn tại Mỹ, việc tháo giày gây tranh cãi hơn một chút. Một cuộc khảo sát của CBS/YouGov được thực hiện vào năm 2022 cho thấy 63% người Mỹ cho biết họ cởi giày trước khi vào ở nhà, nhưng chỉ có 24% đề nghị khách của họ làm theo.

Các chuyên gia về phép xã giao nói gì?

Có nhiều lý do để tháo hoặc đi nguyên giày. Có người không muốn để lại dấu bùn đất trong nhà, trong khi số khác muốn thể hiện sự tôn trọng với chủ nhà.

Các chuyên gia về phép xã giao có đáp án cho vấn đề này không? - Không hẳn, vì cũng như công chúng Mỹ, họ “chia rẽ” với nhiều ý kiến khác nhau.

Đội ngũ đứng sau Miss Manners (bút danh của một nhà báo, tác giả về nghi thức xã giao người Mỹ) viết rằng: "Yêu cầu khách cởi giày cũng giống như nói rằng bạn coi trọng sàn nhà hơn sự thoải mái của họ".

Trong khi đó, chuyên gia về nghi thức xã giao Peggy Post tin rằng "chủ nhà có quyền yêu cầu khách cởi giày". Nghi thức xã giao của người Mỹ thường coi trọng việc làm cho người khác thoải mái, điều đó có nghĩa là cuộc tranh luận về việc mang hay cởi giày thường “nghiêng” về phía chủ nhà.

Có lý do khoa học nào để bạn mang giày dép khi ở trong nhà không?

Trong khi các chuyên gia về phép xã giao có những quan điểm khác nhau, các nhà khoa học có vô vàn bằng chứng cho thấy giày dép mang theo bụi bẩn không mong muốn vào nhà, dù “mối nguy” trực tiếp của bụi bẩn đó đối với sức khỏe con người vẫn chưa rõ ràng.

Một phân tích năm 2023 phát hiện ra rằng hơn một nửa số hạt bụi trong nhà có nguồn gốc từ ngoài trời và các nhà nghiên cứu cảnh báo mọi thứ, từ chì đến chất thải, đều có thể bám vào giày.


Giày dép có thể mang theo những bụi bẩn không mong muốn vào nhà. (Nguồn: Ảnh do AI tạo ra trên Canva).

Một số tác nhân gây bệnh mà bạn “mang theo” vào nhà có thể gây tử vong.

Một nghiên cứu hồi năm 2017 đã phân tích đế giày của 280 người tham gia và phát hiện ra rằng 26,4% có kết quả dương tính với vi khuẩn Clostridium difficile, hay còn gọi là C. diff.

Loại vi khuẩn này rất dễ lây lan, gây viêm đại tràng, tiêu chảy và đau dạ dày, và có liên quan đến các bệnh nhiễm trùng tái phát. C. diff gây ra khoảng nửa triệu ca nhiễm trùng và 29.000 ca tử vong ở Mỹ mỗi năm.

Một nghiên cứu năm 2022 thậm chí đã phân tích các chủng vi khuẩn C. diff trên giày của nhân viên y tế và đối chiếu chúng với các chủng vi khuẩn mà bệnh nhân C. diff nhập viện mắc phải. Điều đáng sợ là các chủng vi khuẩn này trùng nhau đến 74% các trường hợp.

Những tấm thảm cũng là nơi “chào đón” bụi bẩn ngoài trời.

"Thảm vừa là nguồn sinh bụi, vừa là nơi ‘đón’ bụi trong nhà" - một nhóm chuyên gia môi trường lưu ý trong một nghiên cứu năm 2019 khi xem xét tác động của thảm liên quan những vi sinh vật trong nhà.

Nghiên cứu kết luận rằng hít phải hoặc ăn phải [bụi từ thảm] - chứ không phải hấp thụ qua da - là con đường dễ nhất dẫn đến bệnh tật do thảm gây ra. Tuy nhiên, mức độ rủi ro đầy đủ của thảm đối với sức khỏe con người vẫn đang được nghiên cứu.

Trong khi đó, một số nhà khoa học và bác sỹ lại bác bỏ ý tưởng cởi giày trong nhà vì các lý do sức khỏe hoặc an toàn: Cởi giày có thể khiến chân dễ bị thương và tăng nguy cơ mắc các bệnh ngoài da như nấm da chân, mụn cóc hoặc MRSA (nhiễm tụ cầu vàng kháng methicillin).

Việc đi chân trần có thể gây áp lực lên bàn chân, làm gót chân khô và nứt nẻ, cũng dễ khiến bạn bị ngã và gặp những chấn thương về cơ và xương khớp.

Cách đơn giản để bớt mang bụi bẩn vào nhà

Các tác nhân gây bệnh, những chấn thương tiềm ẩn… tất cả đều có thể được coi là lý do để bạn “giữ chặt giày trên chân mình.” Nhưng nhiều chuyên gia môi trường cho rằng có một cách đơn giản để giảm thiểu những vấn đề trên: Chỉ cần tháo giày đi ngoài trời trước khi bạn vào nhà.

“Bạn có thể thực hiện các bước cơ bản để giảm thiểu bụi bẩn xâm nhập nhà mình” - Mark Patrick Taylor, nhà khoa học môi trường trưởng của Cơ quan Bảo vệ Môi trường tại Victoria (Australia), cho biết.


Chuyên gia khuyên bạn nên có dép chuyên đi trong nhà. (Nguồn: Ảnh do AI tạo ra trên Canva)

Taylor, người tham gia vào nghiên cứu năm 2023 - vốn phát hiện ra rằng hầu hết bụi trong nhà đều có nguồn gốc từ bên ngoài, cho biết việc tránh nguy cơ mầm bệnh và chất gây ô nhiễm bằng cách đảm bảo chúng không bao giờ xâm nhập vào nhà ngay từ đầu là điều nên làm.

Taylor lưu ý bụi bẩn xâm nhập có thể bám lên đồ đạc và thậm chí vào đồ ăn thức uống. “Bạn sẽ không muốn ăn phải bụi dính chất thải từ chú chó nhà hàng xóm đâu” - ông nói.

“Bạn đã sẵn sàng bỏ giày dép ngoài cửa chưa?” - Taylor khuyên bạn nên mua hai tấm thảm chùi chân, một tấm để ngay ngoài thềm cửa và một tấm để bên trong. Khi đã vào trong nhà, hãy thử dùng một đôi giày hoặc dép chuyên đi trong nhà và thỉnh thoảng lau sạch đế giày.

“Nhà của bạn là lâu đài của bạn” - Taylor nói. “Không cần nhiều tiền bạc hay thời gian để làm những điều đơn giản và hiệu quả. Bạn chẳng mất gì cả”.

Cập nhật: 03/07/2024 Vietnam+
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video