Nên làm gì khi phát hiện mình bị ung thư?

Thay vì lo lắng, sợ hãi, đau buồn hoặc phiền muộn, bạn hãy đến bác sĩ để được tư vấn liệu trình điều trị phù hợp.

Theo bác sĩ Zee Ying Kiat, chuyên gia tư vấn ung thư cấp cao của Trung tâm ung thư Parkway, Singapore, kết quả chẩn đoán mắc bệnh ung thư thường gợi rất nhiều cảm xúc cho bệnh nhân. Phần lớn họ cảm thấy hoài nghi, lo lắng, sợ hãi, đau buồn hoặc phiền muộn. Một số khác giận dữ và trầm cảm. Không ít bệnh nhân nghĩ rằng ung thư là bản án tử hình và cảm thấy bất lực trước những gì có thể làm để điều trị nó. Nhìn chung, những cảm xúc và phản ứng này không tốt cho sức khỏe, nhưng điều đó là hiển nhiên khi phải đối mặt với một căn bệnh nghiêm trọng như ung thư.

Gia đình, bạn bè và những người chăm sóc y tế đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ bệnh nhân đối mặt với ung thư. Họ cũng có thể giúp người bệnh nhận ra tình trạng trầm cảm và cần đến liệu pháp điều trị nếu cần thiết. Y tá và nhân viên tư vấn thường là nguồn hỗ trợ chính cho bệnh nhân cũng như những người chăm sóc, từ việc lắng nghe chia sẻ cho đến gợi ý cách kiểm soát tâm lý cho người bệnh.


Có rất nhiều người bị ung thư đã chữa trị được, đặc biệt khi phát hiện sớm. (Ảnh minh họa: Thedailybeast).

Nhiều năm công tác trong lĩnh vực điều trị ung thư, bác sĩ Zee cho biết công việc hằng ngày của ông là điều trị, đồng hành, hướng dẫn cho bệnh nhân và người thân của họ trong suốt hành trình chiến đấu với bệnh. Quá trình bắt đầu bằng việc bàn luận về kết quả chẩn đoán, các phương pháp chữa trị và những mục tiêu mong muốn đạt được với cách điều trị đó.

Một thông điệp quan trọng mà bác sĩ Zee thường chia sẻ với bệnh nhân là liệu pháp điều trị ung thư luôn phát triển không ngừng. Có rất nhiều người bị ung thư đã chữa trị được, đặc biệt khi phát hiện sớm. Ngay cả đối với trường hợp bệnh không chữa trị được thì điều trị giảm nhẹ có thể làm dịu các triệu chứng liên quan đến bệnh, cũng như khả năng duy trì chất lượng và sự kéo dài có ý nghĩa của cuộc sống. Trang bị cho bệnh nhân những thông tin, sự lựa chọn và một liệu trình điều trị là bước cần thiết trong việc cung cấp cho bệnh nhân cảm giác kiểm soát lớn hơn, giúp họ trong hành trình đối mặt và thay đổi.

Bác sĩ Zee khuyên mọi người khi có triệu chứng nghi ngờ ung thư nên tìm đến sự chăm sóc y tế càng sớm càng tốt. Trên thực tế hơn một nửa số bệnh nhânlúc đầu đến khám đều có những triệu chứng mơ hồ, sau này được chẩn đoán khẳng định là ung thư.

Ngày nay người dân bắt đầu nâng cao ý thức tầm soát ung thư. Họ biết cách lắng nghe cơ thể mình, khi xuất hiện những dấu hiệu khác lạ và nhanh chóng tìm đến sự chăm sóc y tế. Tuy nhiên, một số người khác lại có xu hướng để mặc cho các triệu chứng ngày càng tệ hơn, chủ động giấu bệnh vì sợ mình sẽ trở thành gánh nặng hoặc nghĩ rằng việc chữa trị là vô ích. Bác sĩ Zee từng rất tiếc khi gặp những bệnh nhân ung thư tử vong rất nhanh sau khi phát hiện bệnh, chỉ vì không chịu đến gặp bác sĩ sớm.

Để phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư, bác sĩ khuyên mọi người nên lập kế hoạch tầm soát ung thư định kỳ hàng năm cho bản thân và gia đình, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ cao. Tầm soát ung thư là quá trình kiểm tra ung thư cho những người chưa có triệu chứng. Bác sĩ có thể kiểm tra bệnh bằng cách hỏi tiền sử các yếu tố nguy cơ hoặc khám trực tiếp cho bệnh nhân. Đôi khi cần đến các xét nghiệm hoặc hình ảnh chụp chiếu, nhằm phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm. Khi đó những phương pháp điều trị hiệu quả hơn và khả năng chưa khỏi cao hơn.

Tầm soát không chỉ giúp phát hiện sớm mà còn giúp ngăn ngừa ung thư đại tràng, vú và cổ tử cung. Bộ Y tế Singapore đã công bố các hướng dẫn tầm soát ung thư. Theo đó, một người mà gia đình không có tiền sử ung thư đại tràng thì nên bắt đầu tầm soát từ năm 50 tuổi thông qua xét nghiệm phân hủy miễn dịch phân, nội soi đại trực tràng hoặc nội soi CT đại trực tràng. Đối với ung thư vú, tầm soát chụp nhũ ảnh nên bắt đầu từ tuổi 40, phết tế bào âm đạo tầm soát ung thư cổ tử cung từ 25 tuổi đối với những phụ nữ đã có quan hệ tình dục.

Một số bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ ung thư mà kết quả tầm soát không phải là ung thư, bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân gây ra triệu chứng khó chịu đó và chữa trị. Do vậy bác Zee khuyên mọi người không nên cố gắng chịu đựng sự khó chịu do các triệu chứng gây ra, thay vào đó nên đi khám càng sớm càng tốt để được điều trị và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Cập nhật: 09/10/2017 Theo VnExpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video