Năm 2011, ngành năng lượng nguyên tử Nga gặt hái nhiều thành tích nhờ thực hiện chủ trương nâng cao độ an toàn của các nhà máy hạt nhân hiện hành và xây dựng các nhà máy mới có độ an toàn cao nhất.
>>> Nga cho Việt Nam vay 9 tỷ USD làm điện hạt nhân
Bất chấp những phức tạp về chính trị và công nghệ, Cơ quan năng lượng nguyên tử Nga Rosatom đã hoàn thành xây dựng và đưa vào hoạt động Nhà máy điện nguyên tử Busher ở Iran. Đồng thời, năm nay, Rosatom cũng đã ký được 21 hợp đồng xây dựng các nhà máy điện nguyên tử ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam, Ấn Độ, Belaus, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ, Armenia, Bangladesh và Trung Quốc. Con số này gần gấp đôi so với 11 hợp đồng ký trong năm 2010.
Giám đốc Học viện nghiên cứu các vấn đề phát triển an toàn năng lượng hạt nhân, ông Leonid Bolshov cho rằng sau sự cố nhà máy điện Fukushima ở Nhật Bản, ngành năng lượng nguyên tử Nga vẫn không mất đi một đối tác nước ngoài nào nhờ trình độ công nghệ hạt nhân cao và độ an toàn tối đa trên cơ sở 25 năm nỗ lực rút kinh nghiệm về công nghệ - kỹ thuật sau thảm hoạ hạt nhân Chernobyl (Ukraine).
Đồng thời, sau sự cố Fukushima, Nga đã trang bị thêm cho các nhà máy điện nguyên tử trong nước các máy bơm và máy phát điện diezel, tiến hành nâng cấp các nhà máy này, chế tạo các tổ máy phát điện mới hiện đại và đưa vào hoạt động tổ máy thứ tư của Nhà máy điện hạt nhân Kalinin có công nghệ hiện đại nhất hiện nay.
Tổng Giám đốc Rosatom Sergey Kirienko khẳng định nâng cao độ an toàn hạt nhân là một trong những hướng ưu tiên hàng đầu của tập đoàn này vào năm 2012 và thời gian tới. Từ nay đến năm 2030, Rosatom dự định nâng tổng doanh thu lên gấp 5 lần và đạt 75 tỷ USD.