Các vi khuẩn kháng thuốc cản trở điều trị, gây nguy hại tới sức khoẻ bệnh nhân. Các nhà khoa học của Nga đã tìm ra giải pháp cho tình trạng này.
RIA đưa tin các nhà khoa học tại Đại học Nghiên cứu quốc gia về Công nghệ thông tin, Cơ khí và Quang học Saint Petersburg, Nga (ITMO) vừa tạo ra hệ thống phân phối thuốc sử dụng hạt canxi cacbonat, chống lại vi khuẩn kháng kháng sinh. Kết quả được công bố trên tạp chí Chemical Communications.
Canxi cacbonat là hợp chất quen thuộc thường thấy trong phấn, đá vôi, cẩm thạch, vỏ trứng và nhiều phụ gia thực phẩm khác. Trong ngành thực phẩm, nó được đăng ký làm chất tạo màu với tên gọi E170.
Theo các nhà khoa học của ITMO, những viên vi nang được cấu trúc như "chiếc kén". Bên ngoài, chúng được bao bọc bởi màng sinh học bằng canxi cacbonat. Bên trong là các thuốc, kháng sinh được giải phóng khi cần thiết và chống nhiễm trùng do vi khuẩn.
Các viên vi nang mang thuốc vô hiệu hoá vi khuẩn kháng kháng sinh được bao bọc bởi lớp màng từ canxi cacbonat. (Ảnh: Freepik).
Tuy nhiên, theo nhóm tác giả, để tạo ra những “chiếc kén” điều trị thì khả năng tương thích sinh học của canxi cacbonat với cơ thể là chưa đủ.
Theo họ, điều quan trọng là dược chất được giữ an toàn trong “chiếc kén” cho đến thời điểm thích hợp cần kích hoạt. Đồng thời, khi ở trong máu, các hạt mang thuốc sẽ va chạm với tế bào miễn dịch bởi cơ chế tống vật lạ xâm nhập vào cơ thể. Các nhà khoa học cần tính toán điều này khi ứng dụng công nghệ trên vào điều trị.
“Chiếc kén” vi nang có chiều dài khoảng 5 micromet và hình dạng tương tự như vi khuẩn. Điều này cho phép nó lưu thông tự do qua các mạch máu đến vị trí nhiễm trùng, bảo vệ thuốc qua lớp canxi cacbonat bọc ngoài. Chất có trong các viên nang ức chế vi khuẩn phát triển, đẩy nhanh quá trình tiêu diệt nó.
Khi đến vị trí đích, viên nang nhanh chóng phát huy tác dụng, tiêu diệt vi khuẩn. Xung quanh khu vực vi khuẩn hoạt động là môi trường axit giúp phá vỡ màng bọc canxi cacbonat. Axit bào mòn lớp màng của vi nang và giúp thuốc giải phóng.
Đến nay, nhóm mới thực hiện nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Các viên kén đã cho hiệu quả trên vi khuẩn sống. Tuy nhiên, họ cũng cho biết đây chỉ là giai đoạn đầu của nghiên cứu.
Xu hướng kháng thuốc kháng sinh là hiện tượng báo động của ngành y. Các vi khuẩn khiến thuốc không còn tác dụng lâm sàng, ngay cả khi sử dụng nồng độ cao. Công trình của nhóm các khoa học tại Đại học Nghiên cứu quốc gia về Công nghệ thông tin, Cơ khí và Quang học Saint Petersburg hứa hẹn giải quyết tình trạng trên.