Vùng dưới Bắc Cực là nơi có nguy cơ tuyệt chủng tiềm ẩn cao |
Các nơi này gồm lãnh nguyên (vùng đất băng giá) ở Greenland và Siberia, quần đảo Caribbe và một số vùng ở Đông Nam Á.
Nhóm nghiên cứu có trụ sở chính tại London tin rằng kết quả nghiên cứu của mình sẽ hỗ trợ cho các chuyên gia bảo tồn ngăn ngừa được nguy cơ tuyệt chủng, thông qua các biện pháp can thiệp, ngăn ngừa từ trước.
Công trình nghiên cứu tập trung vào khái niệm "nguy cơ tuyệt chủng tiềm ẩn".
Điều này có nghĩa là các loài động vật không bị đe doạ ngay lập tức, và không bị coi là nằm trong danh sách báo động đỏ, tức là các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng ngay lập tức mà quốc tế đã công nhận.
Thế nhưng, cách thức phát triển của con người khiến cho những loài này sẽ nhanh chóng bị tuyệt chủng trong thời gian tới, thế chỗ cho những loài hiện đang bị xếp vào nhóm có nguy cơ tuyệt chủng cao hơn.
"Chúng ta có thể thấy sự thay đổi này đang diễn ra, ví dụ như với loài khỉ rú Guatemala, vốn được xếp trong nhóm ít đáng lo ngại hồi năm 2000, nhưng tới năm 2004 đã bị xếp lên nhóm "nguy cơ" do sự biến mất của hầu hết các khu rừng có loài này sinh sống," Tiến sỹ Marcel Cardillo từ trường đại học Imperial College London, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu cho biết.
"Hy vọng là các nhà bảo tồn học sẽ sử dụng kết quả nghiên cứu của chúng tôi để ngăn chặn nguy cơ biến mất thêm các loài khác nữa, chứ không chỉ tập trung vào các loài hiện đang bị đe doạ."
Bò rừng và tuần lộc
Các loài động vật lớn có vú sống trên cạn có nguy cơ tuyệt chủng cao hơn |
Một lần nữa khẳng định lại những điều mà các nhóm nghiên cứu khác đã đưa ra, nhóm nghiên cứu lần này xác định rằng những loài đặc biệt có nguy cơ tuyệt chủng thường là các loại to lớn, sống ở các lãnh địa nhỏ và có chu kỳ sinh sản dài.
Các loài này gồm tuần lộc Bắc Mỹ, bò xạ hương, cáo bay Seychelle và vượn cáo nâu.
Có lẽ điều đáng ngạc nhiên là các vùng được xác định là có thú bị nguy cơ tuyệt chủng tiềm ẩn lại không gồm các điểm nóng đa dạng sinh thái như lưu vực Amazon và Congo, nhưng lại gồm các vùng hạ bắc cực thuộc bắc Canada, bắc Nga và Greenland.
"Tôi ngạc nhiên khi kết quả nghiên cứu không nhắc tới lưu vực Amazon và Congo, là những nơi có rất nhiều loài động vật sinh sống trong diện hẹp," Thomas Brooks từ Trung Tâm Nghiên Cứu Về Đa Dạng Sinh Học ở Washington DC, thuộc Viện Bảo Tồn Quốc Tế, nhận xét.
Có thể một lý do dẫ̃n tới chuyện này, đó là do thiếu thông tin. Một số cơ sở dữ liệu về thực vật và động vật cần phải được điều chỉnh nghiêm túc.
Đây là một lỗ hổng mà các nhóm khoa học do Hiệp Hội Bảo Tồn Thế Giới dẫn đầu, đang nỗ lực giải quyết thông qua việc cải thiện các nghiên cứu nền tảng về một số loài và các hệ sinh thái.
Đón đầu
Bảo Tồn Quốc Tế là một trong các nhóm nỗ lực thúc đẩy các chương trình "ngăn ngừa" thay vì khoanh tay chờ đợi cho tới khi chỉ còn có vài ba loài động vật tồn tại.
"Nhóm được nhìn nhận một cách rộng rãi là những nhà hoạt động bảo tồn, hoạt động ở bất kỳ nơi nào chúng tôi có cơ hội nhằm đón đầu tình thế và áp dụng các biện pháp tiên phong để bảo tồn," tiến sỹ Brooks nói với trang mạng BBC News.
"Giải pháp tiên phong thường là tiết kiệm chi phí hơn, và dễ dàng thực hiện hơn."
"Thế nhưng, tầm ảnh hưởng của con người lên đa dạng sinh học là điều mà rõ ràng là hầu như không chương trình bảo tồn nào có thể tác động ngược trở lại được."
Một số chương trình "cơ hội chót" đã thành công. Tại Rừng Quốc Gia Yellow Stone, gấu xám Bắc Mỹ đã phục hồi trở lại và được đưa khỏi danh sách các loài bị đe doạ tuyệt chủng.
Ở Anh, số lượng chim dẽ đá đã tăng gấp đôi trong vòng 20 năm qua.
Qua Công Ước Về Đa Dạng Sinh Học, cộng đồng quốc tế đã đặt mục tiêu đến năm 2010 "giảm đáng kể tỷ lệ mất mát trong đa dạng sinh học".
Tuy nhiên, nhìn chung, tình trạng tuyệt chủng đang cao gấp nhiều lần so với tỷ lệ tự nhiên thông thường.
Theo chương trình Thẩm Định Hệ Sinh Thái Thiên Niên Kỷ thì một phần ba số loài bò sát, một phần năm các loài động vật có vú và một phần tám các loài chim đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Chương trình này cũng kết luận rằng mặc dù con người chính là lý do gây tuyệt chủng cho động vật, nhưng cuối cùng thì chính con người mới là thiệt thòi nhất.
Các điểm nóng, nơi động vật có nguy cơ tuyệt chủng tiềm ẩn: 1. Northern Canada và Alaska; 2. Greenland; 3. lãnh nguyên Siberian; 4. các vùng rừng Đông Canada; 5. Bahamas; 6. Cao nguyên Đông Ấn; 7. Nam Polynesia; 8. Lesser Antilles; 9. Quần đảo Andaman và Nicobar Islands; 10. Borneo, Sulawesi, Moluccas; 11. Tân Guinea; 12. Vùng duyên hải Patagonia; 13. Bán đảo Malaysia, Sumatra và Tây Java; 14. Nusa Tengarra; 15. Tasmania và eo biển Bass; 16. Melanesia; và 17. Quần đảo Đông Ấn |