Tổng kinh phí các dự án trong và ngoài nước đã đầu tư cho việc bảo vệ chim, thú quý hiếm ở Trung Trường Sơn lên đến hàng triệu USD. Tuy nhiên, chúng đang bị săn đuổi, tàn sát hết sức dã man.
Khỉ mặt đỏ tại rừng Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị |
85 loài chim quý
Ông Cao Đăng Việt, cán bộ bảo tồn đa dạng sinh học Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị, cho biết sau nhiều lần điều tra tại rừng xã Hướng Lập, các nhà khoa học trong và ngoài nước phát hiện có 85 loài chim quý đang trú ngụ. Đáng chú ý có các loài nằm trong danh sách các loài chim bị đe dọa ở châu Á như: diều cá nhỏ, bồng chanh rừng, đại bàng mã lai, thầy chùa bụng nâu, gõ kiến xanh cổ đỏ, chích chòe nước trán trắng và chim khách đuôi cờ... Ngoài ra, còn có 7 loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và các loài chim cực kỳ quan trọng đó là trĩ sao, khướu đầu xám, gà lôi lam mào trắng, lôi lam mào đen (lophura edwardsi, lophura imperialis)...
Đi dần về phía Nam của tỉnh Quảng Trị, các nhà khoa học đã nhiều lần phát hiện đàn bò tót (bos gaurus) đông từ 12 đến 15 con, sinh sống dọc lưu vực các con sông Ba Lòng, Vĩnh Định với phạm vi di chuyển khá rộng. Một loài thú quý nữa là chó sói đỏ (cuon alpinus) ở vùng Cùa, thuộc huyện Cam Lộ. Sói đỏ sống thành từng đàn từ 3 đến 5 con. Lúc đông nhất số lượng đàn sói ở Cùa đến cả
Sự kiện khiến nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm nhất là việc phát hiện sao la (pseudoryx nghetinhensis) đang sinh sống ở vùng rừng phía Nam tỉnh Quảng Trị và rừng huyện A Lưới của tỉnh Thừa Thiên- Huế. Việc phát hiện sao la được ghi nhận như một loài vật mới của thế giới. Sao la có mặt tại các khu rừng của huyện Đakrông và A Lưới với số lượng trên 150 cá thể. |
Bắt hổ đem bán
Thế nhưng, chim, thú quý hiếm ở khu vực Trung Trường Sơn đang đối mặt với nguy cơ bị săn bắt rất lớn. Gần đây nhất, giữa tháng 6 - 2006, một con bò tót tại rừng Quảng Trị bị mắc bẫy của thợ săn. Khi được tin báo, nhân viên Khu Bảo tồn thiên nhiên Đakrông của tỉnh Quảng Trị đến nơi thì bò tót trong tình trạng không thể cứu sống được. Bò được cắt lấy đầu và bốn chân để phục vụ điều tra nghiên cứu.
Tại huyện Phong Điền tỉnh Thừa Thiên- Huế, kiểm lâm cũng đã phát hiện bọn buôn động vật quý hiếm cho hổ vào xe taxi chở ra miền Bắc tiêu thụ. Lần này, nhận được tin báo kịp thời nên con hổ may mắn được cứu thoát, thả về lại rừng. Không riêng gì hổ bị bắt, rất nhiều người dân tộc ở miền núi A Lưới và Đakrông thú nhận họ từng vào rừng đặt bẫy bắt sao la lấy sừng bán lại cho lái buôn. Riêng trong năm 2006, tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế đã tịch thu, thả về rừng hàng tấn thú rừng quý hiếm.
Gà lôi lam mào trắng được phát hiện ở Quảng Trị
Không từ bỏ một âm mưu nào
Ông Khổng Trung, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị, thừa nhận ngành kiểm lâm gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ các loài chim, thú quý hiếm. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do áp lực dân cư đang sinh sống trong các khu bảo tồn thiên nhiên. Những người dân này đến định canh, định cư giữa rừng núi trước khi có khu bảo tồn thiên nhiên nên nay đưa họ ra khỏi khu bảo tồn hoặc vùng đệm là rất khó. Ngoài ra, không ít người bản địa cấu kết với các đường dây buôn bán dọc đường Hồ Chí Minh, để thu mua, săn bắt trái phép động vật quý hiếm. Các đối tượng không từ bỏ một âm mưu nào, miễn sao bắt được càng nhiều thú rừng càng tốt. Họ dùng thủ đoạn như đưa tiền trước thuê người dân trong vùng đặt bẫy, bắt được thú rồi đem ra các điểm tập kết bán lại cho các đầu nậu đưa đến các nơi khác tiêu thụ. Ông Khổng Trung nói: “Trung bình, mỗi chiến sĩ kiểm lâm phải bảo vệ, tuần tra đến 4.000 ha rừng. Người ít, rừng nhiều, dù cố gắng hết sức cũng không làm hết công việc”.
Nên thành lập thêm nhiều khu bảo tồn thiên nhiên Tại vùng Trung Trường Sơn có hai khu bảo tồn vừa được thành lập, đó là khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông của tỉnh Quảng Trị và khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền của tỉnh Thừa Thiên- Huế. Sắp đến, thêm một Khu bảo tồn thiên nhiên nữa được thành lập tại xã Hướng Lập, phía Bắc huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Tuy nhiên, ông Khổng Trung đề xuất Trung ương nên cho thành lập thêm nhiều khu bảo tồn, các vùng chim quan trọng nhằm bảo tồn từ xa như các nước trên thế giới đã từng làm, may chăng hạn chế được nạn săn bắt thú rừng như hiện nay. |