Việc nhanh chóng hạn chế các chất ô nhiễm như cácbon đen (sinh ra từ khí thải động cơ và dầu thực vật, còn gọi là bồ hóng) và sương khói gồm khí metal và ozon gần mặt đất có thể ngăn chặn sự gia tăng nhiệt độ Trái Đất trong ngắn hạn.
Nghiên cứu chung nhấn mạnh hành động khẩn trương để hạn chế các chất ô nhiễm trên cũng giúp giảm nguy cơ tan chảy và biến mất của các dòng sông băng trên núi, đồng thời giảm tới 2/3 sự gia tăng nhiệt độ ở Bắc cực trong các thập kỷ tới, mở ra nhiều cơ hội đảm bảo an ninh lương thực và y tế gắn với việc giải quyết biến đổi khí hậu.
Giảm số lượng lớn khí thải cácbon đen sẽ cải thiện sức khỏe hô hấp của con người, do đó sẽ giảm được số bệnh nhân phải nhập viện và số ngày nghỉ lao động do bệnh tật.
Gần 2,5 triệu người trên thế giới có thể tránh được nguy cơ chết trẻ do ô nhiễm không khí ngoài trời hàng năm vào năm 2030. Ngoài ra, việc cắt giảm mạnh khí ozon gần mặt đất còn có thể giảm thiệt hại 25 triệu tấn ngô, lúa gạo, đậu nành và lúa mỳ trên toàn cầu.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu lưu ý rằng giảm nhanh lượng cácbon đen và sương khói khí ô nhiễm đóng vai trò chủ chốt đối với hạn chế biến đổi khí hậu trong ngắn hạn, còn giảm lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính mới đóng vai trò quyết định trong mục tiêu ngăn chặn nhiệt độ Trái Đất tăng trong dài hạn.
Phối hợp những hành động này sẽ làm tăng cơ hội giữ cho nhiệt độ Trái Đất tăng không quá 2 độ C trong suốt thế kỷ 21. Nghiên cứu chung được công bố tại Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, diễn ra ở Bonn (Đức).