Sau 10 năm nghiên cứu, Giáo sư Paul MacAry cùng các cộng sự tại trường đại học quốc gia Singapore hy vọng các cuộc thử nghiệm lâm sàng loại thuốc “siêu mạnh” tiêu diệt virus gây sốt xuất huyết có thể được triển khai trong 18-24 tháng tới.
Các nhà nghiên cứu hy vọng nếu như loại thuốc này được thử nghiệm thành công và đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian virus tồn tại trong cơ thể người bệnh, việc lây nhiễm virus gây sốt xuất huyết sang cho các thành viên khác trong gia đình sẽ bị ngăn chặn vì muỗi Aedes aegypti không mang theo mầm bệnh.
Khoảng một nửa dân số thế giới hiện có nguy cơ mắc sốt xuất huyết. (Ảnh minh họa: Reuters)
Theo Channel News Asia (CNA), năm 2012, Paul MacAry và những người đồng nghiệp tại Chương trình Nghiên cứu Miễn dịch thuộc Trường Y Yong Loo Lin, Đại học Quốc gia Singapore đã phân lập được kháng thể của một người sau khi sàng lọc hàng trăm triệu kháng thể lấy từ những cá nhân đã khỏi bệnh sốt xuất huyết loại 1.
“Chúng tôi đã chứng kiến một trường hợp ngoại lệ, loại kháng thể này dường như có khả năng tiêu diệt virus trong vòng vài giờ”, nhà nghiên cứu MacAry cho hay.
Trong suốt 10 năm nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân lập được kháng thể đối với cả bốn loại huyết thanh sốt xuất huyết, chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng 4 loại thuốc siêu mạnh và hiệu quả.
“Chúng tôi đang trong quá trình gây quỹ để hỗ trợ quá trình thử nghiệm lâm sàng”, Giáo sư MacAry cho biết thêm đợt nghiệm đầu tiên đối với huyết thanh loại 1 sẽ bắt đầu sau 18 đến 24 tháng.
Theo Giáo sư MacAry, loại thuốc mà nhóm của ông đang nghiên cứu sẽ là liệu pháp hiệu quả nhất cho bệnh sốt xuất huyết. Hiện đối với căn bệnh này, trên thế giới vẫn chưa có liệu pháp điều trị cụ thể nào cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.
Các bệnh nhân có thể được truyền nước muối để thay cho phần nước bị mất trong cơ thể hay uống paracetamol để làm giảm cơn đau đầu, song bệnh nhân phải chờ hệ miễn dịch của cơ thể tự sản sinh kháng thể đối phó với virus. Quá trình này có thể mất tới 2 tuần.
“Những gì chúng tôi đang nỗ lực làm là ngăn chặn diễn biến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Thuốc của chúng tôi được thiết kế để đưa vào máu của bệnh nhân nhiễm bệnh, nó sẽ tiếp xúc với virus và tiêu diệt mầm bệnh trong vòng 6 giờ đồng hồ”, ông MacAiry lý giải.
Singapore đang chứng kiến số ca mắc sốt xuất huyết gia tăng, với 29.500 ca được ghi nhận từ đầu năm cho đến nay.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ mắc bệnh sốt xuất huyết trên toàn cầu đã tăng lên đáng kể, với khoảng một nửa dân số thế giới hiện có nguy cơ mắc bệnh.
Ước tính mỗi năm có khoảng 100 đến 400 triệu ca mắc sốt xuất huyết, với hơn 80% các trường hợp là nhẹ và không có triệu chứng. Tuy nhiên, trong những trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ bị sốt xuất huyết hoặc gặp hội chứng sốc Dengue đe dọa tính mạng. Các triệu chứng như đau đầu dữ dội, đau mắt và nôn mửa cũng có thể khiến nhiều người phải nhập viện. Trên thế giới có 4 chủng sốt xuất huyết, điều này có nghĩa là mỗi người có thể mắc bệnh 4 lần.