Hội đồng khoa học và công nghệ tỉnh An Giang vừa nghiệm thu đề tài nghiên cứu “Kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá heo tỉnh An Giang", do phó giáo sư-tiến sỹ Dương Nhựt Long, trường Đại học Cần Thơ làm chủ nhiệm.
Đề tài được thực hiện trong ba năm, từ tháng 5/2010 đến tháng 12/2013 và đến 4/2014 chính thức nghiệm thu.
Mục tiêu của đề tài là xây dựng và chuyển giao quy trình kỹ thuật sản xuất giống cá heo đạt thông số kỹ thuật thành thục từ 50% trở lên; thụ tinh đạt 50-60%; tỷ lệ nở 60-70%; tỷ lệ sống đến cá giống đạt 20-30%; kích cỡ cá giống 3-5cm/con.
Cá heo (Botia modesta Bleeker). Ảnh: wetwebmedia.com
Trong quá trình thực hiện, đề tài đã nghiên cứu về đặc điểm sinh học của cá heo, kỹ thuật nuôi vỗ thành thục sinh dục cá heo trong ao và lồng bè, biện pháp kỹ thuật kích thích sinh sản nhân tạo cá heo, kỹ thuật ương cá heo từ cá bột lên cá giống.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong môi trường tự nhiên, cá sinh sản từ tháng 6-8 hàng năm. Hệ số thành thục sinh dục ở cá heo thấp, trung bình 2,4%; sinh sản tuyệt đối của cá heo là 4.220 trứng/cá cái và sinh sản tương đối đạt 185.717 trứng/kg/cá cái.
Ở điều kiện nuôi vỗ trong giai lưới (đặt trong ao) và lồng bè (trên sông) đạt hệ số thành thục thấp hơn có sức sinh sản tuyệt đối 3.773 trứng/cá cái và sức sinh sản tương đối 128.000 trứng/kg/cá cái.
Đối với ương cá heo với nhiều loại thức ăn khác nhau, tỷ lệ sống cao nhất 28,6%, sau 45 ngày, ương trong giai lưới đạt tỷ lệ sống đến 69%, nhất là ở giai đoạn từ 45-75 ngày tuổi.
Đề tài sau khi nghiệm thu hoàn chỉnh quy trình được chuyển giao cho Trung tâm giống thủy sản An Giang triển khai rộng rãi trong cộng đồng.
Cá heo (Botia modesta Bleeker) là giống cá nước ngọt, kích cỡ ngắn khoảng 3-5cm/con, cân nặng nhất khoảng 40 g/con, thịt trắng, da trơn, thơm, béo, chế biến được nhiều món ăn như kho tiêu, nấu canh chua đặc sản của vùng đầu nguồn lũ. Đây là loài cá quý đang dần giảm sản lượng, giá hiện từ 150.000-180.000 đồng/kg. Thành công đề tài sẽ góp phần bảo vệ, duy trì, bảo tồn được giống cá quý.