Việc sử dụng những bóng đèn điện một cách vô tội vạ có thể đem lại hậu quả không mấy tốt đẹp cho bản thân bạn.
Năm 1989, nhà bác học Mỹ - Thomas Edison đã thành công trong việc đưa bóng đèn điện vào phục vụ đời sống con người. Có thể nói, Edison đã mở ra một kỷ nguyên, nơi con người có thể hoàn toàn đẩy lùi được bóng tối theo ý muốn của mình.
Bóng điện ra đời, đánh dấu một kỷ nguyên hoàn toàn khác biệt của nhân loại, nơi bóng tối bị đẩy lùi
Có điều, kỷ nguyên này hóa ra lại có hại hơn chúng ta tưởng, vì theo một nghiên cứu mới đây, ánh sáng nhân tạo có tác động không hề tốt đối với sức khoẻ của chúng ta. Cơ bắp yếu đi, xương mỏng hơn, đó là những gì các chuyên gia thuộc trung tâm y tế ĐH Leiden (Hà Lan) kết luận.
Các chuyên gia đã thực hiện thí nghiệm trên chuột. Họ giữ cho chuột bị chiếu sáng liên tục trong 6 tháng. Kết quả cho thấy, cơ bắp của lũ chuột tội nghiệp bị teo đi, xuất hiện dấu hiệu của việc loãng xương, đồng thời hệ miễn dịch bị sụt giảm nghiêm trọng.
Ánh đèn điện hoá ra gây hại hơn chúng ta tưởng
Đến đây, chắc nhiều người sẽ nghĩ rằng ấy là nếu chiếu sáng liên tục thôi, còn dùng bình thường thì có sao đâu? Nhưng vấn đề là ở chỗ, các chuyên gia cũng cho rằng chu kỳ dùng đèn điện vào buổi tối hiện nay của chúng ta là quá nhiều, và nó sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Giáo sư Johanna Meijer từ ĐH Leiden - chủ nhiệm nghiên cứu cho biết: "Chúng ta từng cho rằng ánh sáng và bóng tối là những yếu tố không có hại, ít nhất là với sức khoẻ. Nhưng điều này là không đúng, dựa trên số liệu từ rất nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới. Theo đó, việc can thiệp quá nhiều vào chu kỳ ngày - đêm có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe".
Tuy nhiên, tin mừng là số liệu cũng cho thấy lũ chuột kia đã phục hồi sau khi quay lại với ánh sáng tự nhiên. Theo giáo sư Meijer: "Những tác động tiêu cực về sức khoẻ sẽ bị đảo ngược nếu như quay lại chu kỳ ngày - đêm tự nhiên".
Điều này có nghĩa rằng chúng ta nên cân nhắc kỹ về thói quen ngủ nghỉ của mình. Trên thực tế ngay cả vào ban ngày, chúng ta cũng dành nhiều thời gian tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo: trong lớp học, phòng làm việc...
Còn ban đêm thì khỏi phải nói, có tới 75% dân số thế giới là "cú đêm", với thói quen thức rất muộn để làm việc. Và dĩ nhiên, thời lượng tiếp xúc với ánh đèn nhân tạo quá dài chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe chúng ta.
Nguy hiểm hơn, ánh sáng nhân tạo chúng ta tiếp xúc có thể lại đến từ các thiết bị điện tử như smartphone, tablet... Đó là ánh sáng xanh, mô phỏng lại ánh sáng Mặt trời, có thể gây gián đoạn giấc ngủ. Thậm chí đã có nghiên cứu cho rằng, ánh sáng xanh còn gây giảm thị lực, hoặc đục thủy tinh thể - một trong những nguyên nhân gây mù phổ biến nhất trên thế giới.
Sử dụng điện thoại vào ban đêm có thể gây nguy hiểm cho bản thân bạn
Tóm lại, mục đích của nghiên cứu là để cho chúng ta cân đối về khoảng thời gian tiếp xúc với ánh đèn nhân tạo mỗi ngày.
Bạn có thể chọn những góc ngồi sáng để tận dụng ánh Mặt trời vào ban ngày. Còn buổi đêm, hãy cố gắng kết thúc công việc sớm nhất có thể, vì càng ngồi lâu, bạn chỉ càng thấy sức khoẻ giảm sút thôi.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology.