Hóa thạch cá dĩa 90 triệu năm mắc vào lưỡi câu của một ngư dân Nebraska, có thể trị giá hơn 100.000 USD.
Ngư dân Andy Moore tình cờ phát hiện hóa thạch vào đầu tháng 8 khi tham gia một giải câu cá trên sông Missouri, Newsweek hôm 23/8 đưa tin. Ban đầu, Moore tưởng lưỡi câu móc trúng một tảng đá. Sau khi chèo thuyền kayak qua để gỡ dây câu, anh trông thấy dấu vết nghi là bộ xương của một sinh vật nào đó chết tương đối gần đây. Moore chụp ảnh và quay lại với giải thi.
Hóa thạch Moore phát hiện trong một buổi đi săn. (Ảnh: KETV News).
Sau đó, ngư dân người Nebraska nhận ra đó có thể là một hóa thạch nhờ chia sẻ ảnh chụp giải thi qua mạng xã hội và được nhiều người chú ý. Moore quyết định liên lạc với công binh lục quân Mỹ, đơn vị kiểm soát lòng sông. Họ lập tức gửi bức ảnh của anh cho một nhà địa chất học. Moore và nhà địa chất nhanh chóng quay lại khu vực phát hiện hóa thạch nhờ dữ liệu GPS trên ảnh. Nhà nghiên cứu xác nhận với Moore đó là hóa thạch của một con cá dĩa 90 triệu năm tuổi.
Có tên khoa học Xiphactinus audax, đây là một loài cá khổng lồ sống ở vùng biển Western Interior Seaway, ngăn cách Bắc Mỹ thành hai khu vực cách đây 100 triệu năm. Chúng có bộ hàm lớn và những chiếc răng sắc nhọn. Một số con cá dĩa dài nhất có thể đạt kích thước 6m. Hóa thạch cá dĩa rất giá trị. Một mẫu vật hoàn chỉnh có mức giá ước tính 125.000 - 175.000 USD
Phần lớn động vật hóa thạch sau khi bị chôn vùi dưới trầm tích. Lớp xương cứng của chúng để lại dấu vết rõ rệt. Hóa thạch do Moore tìm thấy sẽ được sấy khô và trưng bày ở bảo tàng Lewis and Clark Visitor Center tại Crofton, Nebraska.