Người dân “hiến kế” chống ngập cho Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh

Thay vì nạo vét kênh mương, tôn cao mặt đường, xây dựng hệ thống kênh thoát nước lớn... KS Nguyễn Thanh Tuấn Kiệt đề xuất 2 thành phố lớn: Hà Nội và TPHCM nên xây dựng hầm chứa nước mưa để chống ngập.

Hiện nay, tình trạng ngập lụt do mưa lớn và triều cường ở các tuyến đường tại Hà Nội, TPHCM rất nghiêm trọng. Tại Hà Nội, cứ mỗi trận mưa lớn, hàng chục tuyến đường lại bị nhấn chìm trong nước. Nhiều tuyến phố nước ngập sâu 0,5 mét, gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

So với Hà Nội, TPHCM ít bị mưa ngập hơn nhưng lại phải đối mặt với tình trạng “ngập nặng” mỗi khi triều cường lên. Cơn mưa lớn chiều tối ngày 7/11 vừa qua tại TP.HCM, đúng lúc triều cường lên đã nhấn chìm nhiều tuyến đường của thành phố, giao thông trên các con đường gần như tê liệt hoàn toàn.

Theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng, việc mở rộng kênh, làm cống tiêu thoát nước để chống ngập phải mất nhiều thời gian và tốn kém rất nhiều kinh phí xây dựng, đền bù, giải tỏa. Việc nạo vét kênh, làm cống thoát nước lớn hơn cũng không thể giải quyết được vấn đề thoát nước khi mưa lớn vì mặt bằng địa hình Hà Nội, TPHCM có những nơi bị trũng, thấp hơn mặt bằng của sông, suối (kiểu 2 bình thông nhau mà có độ cao không chênh lệch) thì nước sẽ không thể chảy nhanh.


Sau mỗi trận mưa lớn, hàng loạt tuyến phố của Hà Nội và TPHCM lại ngập lụt. (Ảnh: Internet)

Hơn nữa, khoảng cách từ trung tâm, khu vực bị ngập nước mưa ra đến bên ngoài khu vực thoát nước sông, biển quá xa, dẫn đến dòng chảy yếu, việc tiêu thoát trong thời gian ngắn nhất không thể được, dẫn đến úng ngập cục bộ.

Theo một số chuyên gia, các giải pháp mà 2 thành phố đang áp dụng là “nâng cao nền đường” cũng chỉ làm cho nước chảy từ nơi cao này sang nơi thấp trũng khác. Là một công dân, trước những bức xúc về tình trạng “cứ mưa là ngập lụt” ở 2 thành phố, kỹ sư Nguyễn Thanh Tuấn Kiệt, Tổng giám đốc Công ty Chế tạo máy tự động hóa Việt Cường (TPHCM) đề xuất ý tưởng xây dựng bể chứa nước ngầm để chống ngập.

Theo KS Kiệt, để chống ngập, Hà Nội và TPHCM nên xây dựng các bể chứa nước ngầm có thành bể cao hơn mặt đường để chứa nước mưa. Tính toán dung tích bể chứa và số lượng hợp lý để đủ sức chứa lượng nước trên (tương đương lượng nước mưa có thể ngập đường ở mức độ cao 400 -500mm và diện tích mặt đường). Sử dụng các trạm bơm công suất lớn bơm lượng nước ngập vào bể chứa. Sau khi cơn mưa dứt thì sẽ điều tiết xả từ từ nước trong hầm chứa nước ra hệ thống cống thoát nước ra kênh, rạch...

Khi áp dụng giải pháp này, theo KS Kiệt, ngoài việc chủ động điều tiết được lượng nước ngập ra sông, rạch sau cơn mưa nhằm mục đích chống ngập nước đường giao thông, chúng ta có thể sử dụng lượng nước này cho hệ thống PCCC cục bộ tại các khu dân cư rất hữu dụng, hoặc cấp nước cho các xe tưới cây của công viên cây xanh, tưới cây xanh dọc theo tuyến đường. Như vậy sẽ không bị lãng phí nguồn tài nguyên nước.


Mô hình hầm chứa nước mưa của KS Kiệt. (Ảnh: Tùng Nguyễn)

Về địa điểm xây dựng bể chứa nước mưa ngầm, KS Kiệt đề xuất nên xây dựng tại các bến xe, công viên cây xanh, sân vận động, khu vui chơi giải trí, khu quảng trường, khuôn viên trường đại học, trường PTTH, vỉa hè, và kể cả những con đường nhỏ (cấm xe tải đi) làm hầm ngầm bên dưới, xe vẫn lưu thông bên trên bình thường. Theo KS Kiệt do đây là quỹ đất công nên khi xây dựng sẽ không tốn tiền đền bù và giải phóng mặt bằng.

Việc khai thác, đưa vào sử dụng hầm chứa nước, KS Kiệt đề xuất, sau khi xây dựng xong và đưa vào vận hành, trách nhiệm bảo quản, giữ gìn và vận hành có thể giao cho công ty công viên cây xanh.

Ngoài ra, KS Kiệt còn cho rằng, 2 thành phố có thể cho đấu thầu gắn bảng quảng cáo (Bảng điện tử đẹp, có thông tin kinh tế, thời sự đi kèm và quảng cáo...) xung quanh các sân vận động, bến xe…trên những bể chứa nước ngầm đó. Hoặc cho doanh nghiệp tự đầu tư và được quyền khai thác trên mặt bằng diện tích đó… sẽ thu lại số tiền không nhỏ, đủ trang trải tiền xây dựng ban đầu và vận hành bảo dưởng hệ thống máy bơm. Hoặc thu tiền từ công ty công viên cây xanh cho việc sử dụng nước.

Theo KS Kiệt, thật ra, tại 2 thành phố cũng chỉ có vài điểm bị ngập nước mưa nghiêm trọng và thường xuyên, vì thế nếu dùng giải pháp làm cống thoát nước to, khai thông dòng chảy thì nước cũng chảy từ nơi này sang nơi khác gây úng ngập cục bộ.

Trao đối với VnMedia sáng 12/11, KS Kiệt tự tin, hiện nay các giải pháp chống ngập truyền thống đều không phát huy hiệu quả. Nếu 2 thành phố áp dụng giải pháp xây hầm chứa nước mưa này chắc chắn sẽ giải quyết được hoàn toàn vấn đề ngập lụt tại 2 thành phố lớn. Tuy nhiên, giải pháp vẫn cần sự hộ trợ của hệ thống thoát nước thành phố.

Tôi chỉ là một kỹ sư chế tạo máy, không có chuyên ngành về thoát nước, môi trường nhưng xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, tôi cũng mạnh dạn đóng góp ý tưởng để cải thiện tình trạng ngập lụt hiện nay. Tôi rất mong các chuyên gia, người dân đóng góp thêm ý kiến để tìm ra biện pháp chống ngập tốt nhất”, KS Kiệt nói.
Theo Vnmedia
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video