Trong những ngày đầu tháng mười một này, dù hiểm họa dịch cúm gia cầm đang treo lơ lửng nhưng ở nhiều địa phương người dân vẫn tỏ ra rất chủ quan.
Tình trạng buôn bán và tiêu thụ gà vịt không qua kiểm dịch vẫn diễn ra công khai. Trong khi đó chính quyền sở tại lại có vẻ như rất dễ dãi...
Sóc Trăng: gà, vịt bán tràn lan
Ghé điểm bán vịt của chị Bảy (nằm ở cuối chợ), tôi hỏi mua 30kg vịt và đề nghị lo giùm giấy kiểm dịch để xuất tỉnh. Chị Bảy cho biết: “Mua vài chục con thì không cần giấy tờ gì cả vẫn có thể chở ra khỏi tỉnh. Nếu mua với số lượng nhiều, bao nhiêu con chị cũng lo giấy được”.
Xuôi về hướng Cần Thơ, chúng tôi ghé chợ Đại Hải (huyện Kế Sách). Mặc dù bên trong nhà lồng chợ không thấy một điểm nào bày bán vịt nhưng khi nghe chúng tôi tìm mua vịt thì một phụ nữ khoảng 40 tuổi nhanh miệng tiếp thị: “Em muốn mua bao nhiêu con chị cũng có. Chỉ cần đặt cọc 100.000 đồng và đưa thêm 20.000 đồng để lo giấy kiểm dịch là được”.
Cũng tại chợ Đại Hải, chúng tôi được một bà hàng cá giới thiệu lên nhà bà Phèn ở chợ Cống Đôi sẽ có vịt ngon và... sạch bệnh. Gặp chúng tôi, bà Phèn nói chắc như bắp: “Vịt của tui có rất nhiều loại, vịt đồng, vịt xiêm và gà đều có. Mỗi ngày tui bán đi các nơi trong và ngoài tỉnh trên dưới 400 con”. Nói xong, bà Phèn đề nghị đưa trước 50.000 đồng để lo cho tôi giấy kiểm dịch và ghi trong biên nhận: “Nếu không có giấy kiểm dịch thì nhận lại 50.000 đồng”.
Tại chợ Lai Hòa, huyện Vĩnh Châu - nơi giáp ranh hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu, gà, vịt vẫn được những người kinh doanh gia cầm bán đầy chợ. Và cái cảnh mua bán “vô tư” ấy cứ liên tiếp xảy ra ngay trước mũi chính quyền địa phương.
Kiên Giang: “vô tư” với dịch cúm gia cầm
Có thể nói người dân không quan tâm lắm về nguy cơ bùng phát đại dịch cúm gia cầm đang được cảnh báo thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng. Rảo quanh các chợ đầu mối thuộc các huyện Châu Thành, Rạch Sỏi, chợ nông sản thành phố Rạch Giá..., chúng tôi ghi nhận gia cầm vẫn được giết mổ, bày bán khá “vô tư”. Và không chỉ bày bán, người dân còn mắc võng sống chung với gà vịt.
Khi chúng tôi hỏi chuyện tiêm ngừa và kiểm dịch thú y thì một chị bán vịt ở chợ Minh Lương (huyện Châu Thành) thản nhiên cho biết: “Tụi tui mua gà, vịt trong dân, gà còn khỏe mạnh nên khỏi tiêm ngừa, kiểm dịch, khi nào có dịch thì tiêm cũng đâu có muộn”.
Bắc Giang: bỏ trống kiểm dịch
Ngày 1-11, chúng tôi đến một số địa điểm buôn bán gia cầm tập trung ở thành phố Bắc Giang và những huyện lân cận. Điều dễ nhận thấy là hoạt động buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm vẫn diễn ra bình thường, dường như những thông tin cảnh báo về nguy cơ đại dịch cúm gia cầm chưa có tác động gì đến hoạt động này.
Lông gà, vịt và những thùng nước thải được đổ ngay ra rãnh nước bên dãy hàng bán gia cầm. Ngay phía sau mỗi chiếc lồng gia cầm là lỉnh kỉnh các dụng cụ như xô chậu đựng nước, rá, rổ, bát đựng tiết gà, vịt nhưng tuyệt nhiên không thấy một bộ đồ bảo hộ nào cho người trực tiếp làm thịt gia cầm.
Hiện nay, tại TP Bắc Giang, những quán bán tiết canh ngan, vịt vẫn rất đông thực khách, trong khi món ăn này đã được cơ quan y tế cảnh báo không nên sử dụng vì có nguy cơ cao lây lan virus cúm gia cầm sang người. Tại những dãy bán thịt gà, vịt không hề có dấu kiểm dịch theo qui định của cơ quan thú y.
Quảng Ninh: tha hồ buôn bán chim trời
Trước sự kiểm soát tương đối nghiêm ngặt của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, tình hình nhập lậu trâu bò, gia cầm qua biên giới phía cửa khẩu Móng Cái có chiều hướng lắng xuống. Tuy nhiên, việc săn bắt, buôn bán các loài chim hoang dã (có nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm rất cao) lại được thả nổi, ít được kiểm soát.
Không khó khăn gì lắm, chỉ cần ngồi phục gần hai giờ ở cổng chợ 3, chúng tôi đã “chộp” được một tay buôn chim sau khi đổ hai bao tải chim hải âu cho các chủ hàng ở chợ 3. Mạnh, 34 tuổi, quê ở xã Hoàng Tân (Yên Hưng) cho biết mỗi ngày anh mang ra Móng Cái chừng 50-70kg chim trời đủ loại. Theo Mạnh, chim hoang dã tại thị trường Móng Cái tiêu thụ được vì có khách du lịch Trung Quốc.
Trưởng Trạm thú y Móng Cái Đỗ Thế Hùng chăm chú nghe chúng tôi phản ánh việc buôn bán chim hoang dã ở chợ 3 và hiện tượng vận chuyển chim hoang dã từ những huyện nội địa ra địa bàn giáp biên. Ông Hùng nhìn vào máy ảnh kỹ thuật số xem lại những bức ảnh chụp chim hoang dã bày bán ở chợ 3, rồi ngước lên nhìn chúng tôi ngỡ ngàng: “Ồ, có chuyện đó thật à, tôi sẽ cho anh em kiểm tra lại!”.
TRẦN ĐỨC - NGỌC DIỆN - H.T.DŨNG - HÙNG ANH - ĐỖ HỮU LỰC
Hà Nội: 1 bệnh nhân nghi cúm H5N1 Ngày 1-11, bệnh nhân tên là N.M.T., 25 tuổi, quận Đống Đa, được nhập viện trong tình trạng khó thở nặng, cảm giác tức ở vùng cổ. Theo kết quả chụp Xquang, bệnh nhân bị tràn khí màng phổi bên phải số lượng lớn, tổn thương phổi hai bên; sốt không cao (37,3 độ), có những biểu hiện trùng với bệnh cúm gà. Mẹ của chị T. cho biết năm hôm trước bà có mua gà đã làm sẵn từ chợ về cho cả bốn người trong gia đình ăn, sau đó chỉ có mình chị T. bị bệnh, hai ngày sau thì khỏi nhưng đến sáng 1-11 chị T. bị tức ngực, khó thở và phải nhập viện. Chiều qua (2-11), BV Bạch Mai đã gửi mẫu bệnh phẩm của chị T. đến Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương để xét nghiệm cúm H5N1. NG.HÀ TP.HCM: chợ gà Trần Chánh Chiếu vẫn chưa chịu ngưng hoạt động Khi đoàn kiểm tra vừa đến khu vực chợ, nhiều người bán gà nhốn nháo ôm giỏ biến nhanh vào các con hẻm, một số quăng giỏ gà, vịt vào trong nhà để tẩu tán. Đặc biệt, tại số 1 Phú Hữu, người bán gà nhanh chóng khóa trái cửa khi lực lượng kiểm tra ập đến. Q.KHẢI Long An: vịt chết hàng loạt do... bệnh tả Chiều 2-11, ông Đinh Văn Thế, quyền chi cục trưởng Chi cục Thú y, cho biết ngành thú y đã xác minh hai đàn vịt hơn 2.000 con bị chết hàng loạt tại ấp 4, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành (Tuổi Trẻ, ngày 2-11). Nguyên nhân được xác định là do bệnh tả, không phải do bệnh cúm H5. Ở Long An đang có khá nhiều đàn vịt chạy đồng liên tỉnh và xuyên biên giới bị chết do trước đó không được tiêm phòng bệnh tả. Riêng đàn vịt ở ấp 3, xã Vĩnh Công bị chết do nhiễm E-coli. V.TR. Tiền Giang: ngày 15-11 sẽ cấm bán gia cầm làm sẵn ở chợ Chiều 2-11, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia súc, gia cầm tỉnh Tiền Giang triệu tập cuộc họp khẩn triển khai các biện pháp chống dịch theo tinh thần công điện ngày 1-11 của Thủ tướng Chính phủ. Ông Nguyễn Văn Khang, phó ban chỉ đạo, cho biết kể từ ngày 15-11 tới đây sẽ cấm chăn nuôi và mua bán thịt gia cầm làm sẵn tại hai trung tâm lớn của tỉnh là TP Mỹ Tho và thị xã Gò Công. Gia cầm sống qua kiểm dịch được bán ở những điểm tập trung và phải giết mổ tại lò giết mổ tập trung. VÂN TRƯỜNG |