Người thông minh nhất cũng có thể mắc những sai lầm ngớ ngẩn nhất

Ngày 17/6/1922, hai người đàn ông trung niên đang ngồi trên bãi biển thành phố Atlantic bang New Jersey, một người thấp và béo, người còn lại thì cao với bộ ria dài. Họ là Harry Houdini và Arthur Conan Doyle. Và đến cuối buổi tối hôm đó, tình bạn giữa hai người sẽ hoàn toàn thay đổi.

Nó kết thúc như cách mà nó bắt đầu, với một buổi chiêu hồn. Lúc bấy giờ, thuyết duy linh nổi lên mạnh mẽ trong giới quý tộc ở Luân Đôn và Conan Doyle (tác giả bộ tiểu thuyết trinh thám kinh điển Sherlock Holmes) là một tín đồ, ông tham dự 5 đến 6 buổi chiêu hồn mỗi tuần. Ông còn tuyên bố rằngi vợ mình, Jean Leckie, có khả năng ngoại cảm và bà ấy bắt đầu tuân theo sự hướng dẫn của một linh hồn tên Phineas, "người" này đã quyết định xem hai vợ chồng ông nên sống ở đâu và khi nào họ nên đi ngao du.

Trái lại, Houdini lại là người hoài nghi về thuyết duy linh. Nhưng ông là người cởi mở và trong một chuyến đến Anh năm 1920, Houdini đã liên hệ và bàn về cuốn sách của Conan Doyle viết về chủ đề này. Năm 1922, khi Conan Doyle đang thực hiện chuyến quảng bá sách ở Mỹ, ông đã mời Houdini đến tham dự tại thành phố Atlantic.

Cuộc gặp của hai người rất thân thiện. Houdini đã dạy con trai của Conan Doyle cách lặn và cả nhóm đang nghi ngơi trên bãi biển. Lúc này, Conan Doyle với mời Houdini về phòng khách sạn để tham dự một buổi chiêu hồn và Jean là người trung gian. Ông biết rằng mẹ Houdini vừa mới qua đời và hy vọng rằng vợ ông có thể kết nối đến thế giới bên kia.

Vì thế, họ trở về khách sạn Ambassador, kéo rèm lại và chờ đợi linh hồn xuất hiện. Jean ngồi xuất thần với một cây bút chì trong tay, hai người đàn ông ngồi bên cạnh và quan sát. Jean đặt bút trên bảng viết và tay của cô bắt đầu di chuyển loạn xạ trên tờ giấy. "Ôi, con ơi, tạ ơn Chúa, cuối cùng ta cũng làm được", linh hồn bắt đầu viết. "Ta đã cố gắng – giờ ta đang vui…". Cuối buổi chiêu hồn, Jean đã viết khoảng 20 trang giấy với "nét chữ nguệch ngoạc và hỗn loạn".

Chồng của Jean hoàn toàn bị mê hoặc, nhưng Houdini thì lại chẳng ấn tượng gì. Vì sao mẹ ông, một người Do Thái, lại tự nhận là một người Công giáo? Làm sao mà một người Hungary nhập cư mà lại có thể viết bằng tiếng Anh – "thứ ngôn ngữ mà bà chưa từng học" - tốt như vậy? Và tại sao bà còn chẳng bận tâm nhắc đến việc hôm đó đúng vào ngày sinh nhật bà?

Lần đầu gặp gỡ hai người này, bạn có thể tha thứ vì hi vọng rằng Conan Doyle là một nhà phê bình tài ba. Tuy nhiên, chính kẻ lừa đảo chuyên nghiệp lại tự vạch trần khi đóng vai làm một người Hungary nhập cư đã nghỉ học từ năm 12 tuổi.


Chỉ số thông minh cao hay có học thức rộng không có nghĩa là bạn sẽ không làm những hành động ngu ngốc và thậm chí, chúng còn khiến sự ngu ngốc tăng thêm vài phần ở một số trường hợp (Ảnh: Pexels).

Nhiều thập kỷ qua, các nghiên cứu tâm lý học đã ghi nhận nhiều khuynh hướng phi lý trí của con người. Nhưng chỉ đến gần đây, các nhà khoa học mới bắt đầu đo mức độ khác biệt giữa những cá nhân với nhau và liệu điều đó có liên quan đến thước đo trí thông minh hay không? Các nhà khoa học tìm ra rằng giữa hai vấn đề này không có sự tương quan hoàn hảo nào: một người có thể có điểm bài kiểm tra IQ hay SAT rất cao những vẫn thể hiện kém trong bài kiểm tra lý trí, hiện tượng này được gọi là "rối loạn lý trí". Thật vậy, có một số tình huống mà chính trí thông minh và trí tuệ sẽ khiến sai lầm của bạn nhân lên nhiều lần.

Phải mất rất nhiều năm chứng rối loạn lý trí cũng như sự nguy hiểm tiềm tàng của nó mới được công nhận, nhưng ý tưởng ban đầu được hai nhà nghiên cứu người Israel, Daniel Kahneman và Amos Tversky, đưa ra trong công trình huyền thoại của mình. Họ là những người đã xác định nhiều thiên kiến nhận thức và phương pháp heuristic (các kỹ thuật dựa trên kinh nghiệm để giải quyết vấn đề) có thể làm sai lệch lý luận của chúng ta.

Một trong những thử nghiệm nổi tiếng nhất của họ là yêu cầu người tham gia quay "vòng quay may mắn" với các con số từ 1 đến 100 trước khi đặt ra các câu hỏi về kiến thức chung (ví dụ như số quốc gia châu Phi có đại diện tại Liên hợp quốc chẳng hạn). Tất nhiên, vòng quay may mắn không ảnh hưởng đến đáp án, nhưng tác động của nó lại khá rõ rệt. Con số xuất hiện trên vòng quay càng thấp thì câu trả lời ước tính của người tham gia càng thấp. Như vậy, một giá trị ngẫu nhiên đã ghim vào tâm trí của người tham gia và "ghim chặt" phán đoán của họ (thiên kiến mỏ neo).

Rất có thể bạn cũng đã rơi vào tình huống tương tự khi mua sắm trong mùa giảm giá. Giả sử bạn đang tìm mua một chiếc ti vi mới. Ngân sách dự kiến của bạn là 10 triệu đồng, sau đó bạn thấy một món hời: một sản phẩm giá 25 triệu giảm giá chỉ còn 15 triệu. Việc xem xét giá gốc của sản phẩm sẽ khiến nhận thức của bạn về mức giá phù hợp bị neo lại, như vậy, bạn sẽ có thiên hướng chi trả cao hơn mức ngân sách đề ra ban đầu.

Một số thiên kiến khác như hiệu ứng đóng khung tâm lý (bạn có thể thay đổi ý kiến dựa trên cách thông tin được truyền đạt), ngụy biện chi phí chìm (sự miễn cưỡng khi từ bỏ một khoản đầu tư thất bại, thậm chí chúng ta có thể mất nhiều hơn nếu tìm cách duy trì nó), ảo tưởng của những con bạc (niềm tin vào quả bóng roulette có tỉ lệ cao sẽ rơi vào ô đỏ nếu trước đó nó đã vào ô đen).

Với những phát hiện đó, nhiều nhà khoa học về nhận thức chia tư duy của chúng ta thành hai loại:

  • Hệ thống số 1: trực quan, tự động, "tư duy nhanh" có thể là mồi nhử cho thiên kiên vô thức.
  • Hệ thống số 2: "chậm", có tư duy phân tích và cân nhắc nhiều hơn.

Theo cách phân loại này, còn được gọi là giả thuyết dual-process, nhiều quyết định phi lý của chúng ta xuất hiện khi quá dựa dẫm vào hệ thống tư duy số 1, cho phép các thiên kiến làm lệch lạc phán đoán của chúng ta.

Rất khó để đánh giá quá cao tác động của công trình này, vì trước đó Kahneman và Tversky không có bất cứ nghiên cứu nào kiểm tra sự phi lý trí có khác biệt giữa người với người hay không. Ví dụ như có phải người này dễ bị thiên kiến chi phối hơn còn người này thì không? Và những khuynh hướng đó có tác động như thế nào đến trí thông minh? Câu chuyện của Conan Doyle khá ngạc nhiên vì chúng ta thường trông đợi những người thông minh sẽ có đầu óc phân tích tốt hơn, hành động hợp lý hơn. Nhưng với những gì Tversky và Kahneman phát hiện, trực giác của chúng ta có lẽ đã sai.

Nếu muốn hiểu vì sao người thông minh lại làm những việc ngu ngốc, chúng ta cần phải trả lời được một số câu hỏi quan trọng.

Trong suốt kỳ nghỉ năm 1991 tại Đại học Cambridge, một nhà tâm lý học người Canada có tên Keuth Stanovich quyết định giải quyết những câu hỏi này. Ông có vợ là chuyên gia giải quyết những vấn đề khó khăn trong học tập nên từ lâu ông đã quan tâm đến việc khả năng tư duy của một người có thể tụt hậu so với người khác, và ông nghi ngờ rằng khả năng lý trí cũng tương tự. Báo cáo kết quả của ông đã đưa ra ý tưởng rằng chứng rối loạn lý trí là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các chứng khác như chứng khó đọc và rối loạn chức năng.

Đây là một kết luận nhằm thúc đẩy các nhà khoa học đang nghiên cứu về thiên kiến. "Tôi muốn nhấn mạnh rằng lĩnh vực này đã bỏ qua những khác biệt mang tính cá nhân", Stannovich cho biết.

Stanovich nhấn mạnh rằng chứng rối loạn lý trí không bị giới hạn chỉ bởi hệ thống tư duy số 1. Thậm chí nếu chúng ta đủ nhạy cảm để nhận ra trực giác của mình đã sai và sửa chữa lại, chúng ta vẫn có thể sử dụng không đúng "ý thức hệ" – là những kiến thức và tư duy cho phép chúng ta suy luận chính xác. Ví dụ khi bạn lớn lên trong môi trường bài trừ khoa học, có thể bạn sẽ có xu hướng bỏ qua những bằng chứng thực nghiệm trong khi đặt niềm tin vào những giả thiết chưa được kiểm chứng. Thông minh hơn không có nghĩa là nó sẽ ngăn bạn có tư duy đó ngay từ đầu và thậm chí, có thể khả năng học tập tốt hơn sẽ giúp bạn tích lũy nhiều ngày càng nhiều "sự thật" để củng cố cho quan điểm của bản thân.

Đến nay, Stanovich đã dành hơn 20 năm để xây dựng khái niệm về chứng rối loạn lý trí với một loạt các thử nghiệm được kiểm soát một cách cẩn thận.

Để hiểu được kết quả của ông, trước hết chúng ta cần điểm qua một số lý thuyết thống kê cơ bản. Đối với tâm lý học và các môn khoa học khác, quan hệ giữa hai tham số thường được biểu đạt dưới sự tương quan giữa giá trị 0 và 1. Một mối tương quan hoàn hảo sẽ có giá trị là 1 – về cơ bản, hai tham số biểu đạt cùng một vấn đề; điều này không thực tế đối với hầu hết các nghiên cứu về sức khỏe và hành vi của người (những vấn đề này được biểu đạt dưới rất nhiều tham số), nhưng nhiều nhà khoa học cân nhắc một mối tương quan "vừa phải" nằm giữa giá trị 0,4 và 0,59.

Bằng cách tính này, Stanovich tìm ra rằng quan hệ giữa lý trí và thông minh thật ra rất yếu. Điểm số SAT cho thấy mối tương quan giữa nó với thiên kiến mỏ neo chỉ đạt 0,19. Trí thông minh cũng chỉ đóng một vai trò rất nhỏ trong câu hỏi liệu chúng ta có sẵn lòng trì hoãn sự hài lòng ở hiện tại để đạt được kết quả tốt hơn trong tương lai hay không, hoặc chúng ta có muốn một phần thưởng nhỏ hơn trong thời gian ngắn hơn không – xu hướng này gọi là "chiết khấu theo thời gian". Trong một bài kiểm tra, mối tương quan của xu hướng trên với điểm SAT chỉ đạt 0,02. Đây là một mức điểm rất thấp trong khi nhiều người vẫn nghĩ người có óc phân tích tốt sẽ có thể đưa ra phán đoán tốt hơn. Thiên kiến ngụy biện chi phí chìm còn cho thấy nó hoàn toàn không liên quan đến điểm SAT.

Ít nhất, bạn sẽ cho rằng người thông minh hơn có thể học cách nhận ra sai lầm. Trên thực tế, hầu hết đều cho rằng họ ít bị tổn thương hơn so với những người khác và điều này cũng đúng với những người tham gia "thông minh hơn". Thật vậy, trong một số thí nghiệm cổ điển về thiên kiến nhận thức, Stanovich phát hiện rằng những người có điểm SAT cao hơn thường có "điểm mù thiên kiến" lớn hơn so với những người có ít năng lực học thuật hơn. "Người trưởng thành có khả năng nhận thức cao hơn có thể nhận thức được khả năng tư duy của bản thân và kỳ vọng vượt qua những người khác trong hầu hết các hạng mục liên quan", Stanovich cho biết. "Bởi vì những thiên kiến nhận thức được thể hiện cho họ dưới dạng các bài kiểm tra nhận thức, nên họ cũng kỳ vọng sẽ vượt qua bản thân".

Stanovich hiện đã cải thiện và kết hợp nhiều phương pháp đo lường vào trong một bài kiểm tra duy nhất có tên thường gọi là "chỉ số lý trí". Ông nhấn mạnh rằng ông không muốn phủi bỏ các bài kiểm tra chỉ số thông minh – chúng "làm rất tốt nhiệm vụ của chúng" – nó là để nâng cao hiểu biết của chúng ta về những kỹ năng nhận thức có thể tác động đến việc đưa ra quyết định và đặt chúng ngang hàng với những thước đo khả năng nhận thức hiện có.

"Mục đích của chúng tôi luôn là đưa ra khái niệm lý trí riêng lẻ khi mà trước đây, gần như nó được gộp chung với thông minh", ông viết trong muôn cuốn sách học thuật. Ông cho biết đây là là điều "trớ trêu to lớn" khi những kỹ năng tư duy do Kahneman khám phá ra và được giải Nobel lại bị bỏ qua trong hầu hết những bài kiểm tra khả năng nhận thức phổ biến.

Sau nhiều năm phát triển và xác thực cẩn thận các bài kiểm tra phụ, cuốn sách "Comprehensive Assessment of Rational Thinking" (Đánh giá toàn diện về tư duy lý trí) đã được xuất bản lần đầu hồi cuối năm 2016. Bên cạnh những phương pháp đánh giá những thiên kiến nhận thức và phương pháp heuristics thông thường, nó còn bao gồm kỹ năng lập luận xác suất và thống kê - như khả năng đánh giá rủi ro – có thể nâng cao nhận thức của chúng ta và những câu hỏi về những ý thức hệ sai trái như thái độ bài trừ khoa học.

Để thử kiểm tra, bạn hãy cân nhắc câu hỏi dưới đây, câu hỏi này để kiểm tra "thiên kiến niềm tin" của bạn. Nhiệm vụ của bạn là xem xét kết luận nào có tính logic nếu chỉ dựa vào hai câu trên:

  • Mọi sinh vật sống đều cần nước.
  • Hoa hồng cần nước.
  • Vì vậy, hoa hồng là sinh vật sống.

Câu trả lời của bạn là gì? Theo công trình của Stanovich, 70% sinh viên đại học tin rằng đây là một kết luận logic. Nhưng không phải vậy, câu đầu tiên viết rằng: "mọi sinh vật sống đều cần nước", chứ không phải là "mọi sinh vật cần nước đều sống".

  • Nếu bạn vẫn chưa hiểu lý do, hãy tiếp tục so sánh với những phát biểu dưới đây:
  • Mọi côn trùng đều cần oxi.
  • Chuột cần oxi.
  • Vậy chuột là côn trùng.

Tính logic của hai câu trên hoàn toàn giống nhau, nhưng rất dễ để phát hiện lỗi sai ở câu kết luận khi nội dung của nó trái ngược với kiến thức của bạn. Tuy nhiên, trong ví dụ đầu tiên, bạn bỏ qua định kiến một bên, suy nghĩ một cách cẩn thận và nghiêm túc về câu kết luận để tránh tâm lý là câu đó đúng bởi vì nó phù hợp với những kiến thức có sẵn trong đầu bạn.

Khi kết hợp tất cả những bài kiểm tra phụ, Stanovich phát hiện rằng mối tương quan tổng thể với các phương pháp đo khả năng nhận thức hay gặp thường chỉ ở mức vừa phải: trong một bài kiểm tra, hệ số tương quan với SAT ở mức 0,47. Có thể sẽ có một số trùng lặp, đặc biệt là một số phương pháp đo chỉ số lý trí, như suy luận xác suất, cần sự hỗ trợ bởi khả năng toán học và một số khía cạnh khác của nhận thức được đo bằng các bài kiểm tra học thuật. "Nhưng điều đó vẫn đủ để tạo sự khác biệt giữa lý trí và thông minh khiến những người thông minh hành động ngu ngốc", Stanovich cho biết. Phát hiện của ông phù hợp với nhiều kết quả nghiên cứu khác được thực hiện gần đây cho thấy tư duy phản biện và trí thông minh là hai vấn đề hoàn toàn tách biệt, và thước đo về khả năng đưa ra quyết định có thể sẽ có ích trong việc dự đoán hành vi trên thực tế.

Với sự phát triển hơn nữa, chỉ số lý trí có thể được sử dụng để tuyển dụng nhằm đánh giá khả năng đưa ra quyết định của một nhân viên tiềm năng; Stanovich cho rằng ông đã nhận được sự quan tâm đáng kể từ các công ty luật, tổ chức tài chính và cả những công ty tuyển dụng.

Stanovich hy vọng bài kiểm tra của ông có thể sẽ là công cụ hữu dụng để đánh giá mức độ thay đổi trong suy luận của học sinh, sinh viên sau mỗi kỳ học hoặc khóa học. "Với tôi, đây là một trong những ứng dụng thú vị nhất", Stanovich nói. Với dữ liệu này, bạn có thể điều tra xem đâu là phương pháp can thiệp tốt nhất để trau dồi phong cách tư duy lý trí.

Nếu ta có thể quay lại buổi chiêu hồn tại thành phố Atlantic, hành vi của Arthur Conan Doyle chắc chắn sẽ phù hợp với giả thuyết rối loạn lý trí. Theo giả thuyết dual-process (suy nghĩ nhanh/chậm), hành vi này có thể là do sai lầm trong nhận thức. Những người tin vào thuyết duy linh thường dựa vào cảm xúc và trực giác để suy nghĩ về nguồn gốc niềm tin của bản thân hơn là những suy luận dựa trên phân tích một cách nghiêm túc.

Điều này có thể đúng đối với những người vẫn mơ hồ, có niềm tin không rõ ràng. Nhưng với tiểu sử của Conan Doyle thì hành vi của ông không thể giải thích một cách đơn giản như vậy được. Thông thường, dường như ông đã phân tích lý luận từ hệ thống tư duy số 2 để lý giải ý kiến của bản thân mà bỏ qua các bằng chứng. Thay vì suy nghĩ quá ít, ông lại suy nghĩ quá nhiều.

Tâm lý học gọi đây là "lý giải có động cơ" – một kiểu tư duy cảm tính khiến chúng ta bỏ qua các bằng chứng gây nghi ngờ đối với niềm tin của bản thân và xây dựng các lập luận công phu để biện minh cho chúng. Đây là một vấn đề nghiêm trọng khi niểm tin được đặt trên mọi thứ và khi bạn càng thông minh, càng có học thức cao thì khả năng bạn có những suy nghĩ ngu ngốc càng lớn. Điều này tương tự như khái niệm của Stanovich về "rối loạn ý thức hệ" - khi đó bộ não bị lây nhiễm bởi một ý thức phi lý trí và sau đó làm sai lệch suy nghĩ của chúng ta.

Xét đến những người tin vào các vấn đề như biến đổi khí hậu chẳng hạn. Trong số những người theo Đảng Dân chủ, mô hình đúng như bạn đoán rằng: học thức càng cao, họ càng thừa nhận các bằng chứng khoa học về việc khí CO2 do con người thải ra dẫn đến hiện tượng ấm lên toàn cầu. Tuy nhiên, với những người theo Đảng Cộng hòa, mô hình hoàn toàn ngược lại: học thức càng cao, họ càng ít chấp nhận các bằng chứng khoa học.

Sự phân cực tương tự đều có thể tìm thấy ở những vấn đề khác như tế bào gốc hay sự tiến hóa và chủ nghĩa sáng tạo. Đều có những cá nhân có học thức cao sử dụng khả năng trí não của mình để bảo vệ ý kiến của bản thân, thậm chí là khi chúng đi ngược lại với kết quả khoa học. Ngoài ra, hiện tượng này còn xuất hiện ở một số thuyết âm mưu chính trị. Khi nói đến một số niềm tin, trí thông minh và trí tuệ là công cụ để tuyên truyền, hơn là được dùng để tìm kiếm sự thật hay phát hiện lỗi sai.

Đáng tiếc, kết luận là dù bạn có lý trí đi nữa, thì vẫn có khả năng có thiếu sót trong lập luận trước những câu hỏi nhất định tác động lớn đến bạn. Niềm tin của Conan Doyle là một ví dụ điển hình: tâm linh dường như đã làm cho ông thấy thoải mái suốt cuộc đời của mình.

Sau những bất đồng ngày càng rõ giữa hai người, Houdini đã mất hoàn toàn sự kính trọng đối với Conan Doyle; ông bắt đầu tình bạn này với suy nghĩ cây bút này là một người "có khối tri thức khổng lồ" và kết thúc với đoạn viết rằng "người ta sẽ phải bán tín bán nghi trước những thông tin này". Nhưng với những gì chúng ta đã biết hiện nay, có thể điều ngược lại mới là đúng: chỉ những người có khối tri thức khổng lồ mới có thể tin vào những thứ như thế.

Cập nhật: 23/12/2020 Theo VnExpress
Danh mục

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Công nghệ mới

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video