Nhiều nhà khoa học đã cảnh báo, sử dụng mỹ phẩm có chứa độc tố formaldehyde sẽ là yếu tố dẫn đến ung thư da.
Tại Việt Nam, bệnh ung thư da đứng hàng thứ 8/10 loại ung thư thường gặp nhất. Số liệu tại bệnh viện U Bướu Hà Nội cho thấy, số ca mắc ung thư da có tỷ lệ trung bình 100.000 người có 2,9 - 4,5.
Khó phát hiện ung thư da do mỹ phẩm
Một số nghiên cứu đã chỉ rõ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư da, trong đó thường gặp hơn là do tiếp xúc với tia cực tím trong ánh nắng mặt trời. Tia cực tím xuyên qua da làm tổn thương các tế bào sống, làm gãy gene trong tế bào da. Ngoài ra, cũng có một nguyên nhân khác là sử dụng mỹ phẩm có chứa độc tố là formaldehyde và 1,4 dioxane.
Theo GS.TSKH Trần Văn Sung, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam: “Formaldehyde được xem là chất có hoạt động rất mạnh và hiếu chiến. Khi xâm nhập vào cơ thể, formaldehyde tác dụng với các enzyme, các men, protein gây đột biến làm thay đổi cấu trúc tế bào, làm gãy gene gây ung thư”.
TS Nguyễn Sỹ Hóa, Phó Viện trưởng Viện Da liễu quốc gia cho biết: “Mỗi năm Viện tiếp nhận 50-60 ca bệnh nhân bị ung thư da và niêm mạc. Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa phát hiện bệnh nhân bị ung thư da do sử dụng mỹ phẩm”.
Sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc có thể gây ung thư da. Ảnh: Đức Long |
Chưa có kết luận rõ ràng vì theo bác sĩ chuyên khoa hai Nguyễn Thanh, Trưởng khoa khám bệnh, Viện Da liễu quốc gia: “Biểu hiện lâm sàng của ung thư da do sử dụng mỹ phẩm, và bị chiếu tia cực tím là giống nhau. Trong khi, các nghiên cứu liên quan đến ung thư da do sử dụng mỹ phẩm chưa đầy đủ, nên khó thấy được sự khác biệt của ung thư da do sử dụng mỹ phẩm khác so với ung thư da do ánh nắng mặt trời”.
Nguy cơ cả với da không bị trầy xước
Theo GS.TSKH Trần Văn Sung, formaldehyde được các hãng sản xuất mỹ phẩm sử dụng trong sản phẩm vì có tác dụng chống thối, chống mốc. Còn chất 1,4 dioxane là một loại dung môi thường dùng trong dầu gội, sữa tắm. Mặc dù không gây ung thư, song 1,4 dioxane là một chất độc, khi dùng làm dung môi kết hợp với formaldehyde sẽ làm cho chất này ngấm vào cơ thể nhanh hơn.
“Ngay cả khi dầu gội, sữa tắm chỉ tác dụng ngoài da nhưng do trên da có các protein nên formaldehyde sẽ nhanh chóng ngấm qua, sau đó thâm nhập vào cơ thể. Da không bị trầy xước cũng bị”, GS Sung cảnh báo.
Theo tiêu chuẩn của Mỹ và Hiệp hội Mỹ phẩm ASEAN, đối với formaldehyde, hàm lượng an toàn là không vượt quá 1.000ppm (1.000mlg/lít) đối với các sản phẩm dùng để chăm sóc răng miệng và 2.000 ppm (2.000mlg/lít) đối với các mỹ phẩm khác. Với 1,4 dioxane, các nước này đều không cho phép dùng trong mỹ phẩm quá 350ppm (350mlg/lít).
Theo Cục Quản lý Dược, đến thời điểm này chưa phát hiện được loại mỹ phẩm nào có hàm lượng Formaldehyd vượt quá giới hạn cho phép. Tuy nhiên, GS Sung cho rằng: “Người sử dụng nên thận trọng trong việc sử dụng các hóa chất vào việc tắm, gội, làm đẹp. Không nên quá lạm dụng sử dụng hóa chất. Tránh tiếp xúc trực tiếp, và đặc biệt cần thận trọng với các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc”.
Dấu hiệu phổ biến nhất của ung thư da là một chỗ biến đổi bất thường của da, ví dụ: một vết loét đau, chảy máu, đóng vảy rồi lành, sau đó lại loét trở lại ngay vị trí này. Dấu hiệu này có thể xuất hiện từ từ, phát triển chậm nhưng cũng có thể xuất hiện đột ngột. Ngoài ra những dấu hiệu như: Đột nhiên gia tăng số lượng và kích thước, đổi màu nốt ruồi, tàn nhang, vết sần trong thời gian ngắn; chảy máu hoặc có cảm giác đau rát ở nốt ruồi, tàn nhang, vết sần... Hầu hết các ung thư da đều gây ra những biến đổi trên một vùng da khu trú. Do vậy, khi có những dấu hiệu nghi ngờ trên, người bệnh cần đi khám sớm vì ung thư da ít gây đau nên thường chủ quan. |