Nguy cơ ung thư từ vụ nổ nhà máy hoá chất

  •  
  • 141

Phơi nhiễm với benzene và nitrobenzene từ vụ tràn hoá chất độc vào sông Tùng Hoa ở Trung Quốc có thể khiến các cư dân bị ung thư và mắc các bệnh về tuỷ xương. Đây là cảnh báo của các chuyên gia môi trường. 

Hơn 3,5 triệu người ở Cáp Nhĩ Tân không có nước sinh hoạt khi thành phố ngừng hút nước từ sông Tùng Hoa trong 4 ngày

Vào ngày 13/11, khoảng 100 tấn hoá chất độc hại đã tràn xuống sông Tùng Hoa. Sự cố xảy ra sau một vụ nổ tại một nhà máy hoá chất của Công ty hoá dầu Cát Lâm, ở thành phố Cát Lâm. Vụ tràn hoá chất đã buộc các thành phố nằm hai bên bờ con sông Tùng Hoa ngừng lấy nước. 4 triệu dân Cáp Nhĩ Tân, thành phố cách Cát Lâm 320 kilômét ở xuôi dòng, hiện cũng làm như vậy. Hoạt động này có thể được nối lại vào ngày 26/11 nếu ô nhiễm bị cuốn trôi theo dòng chảy.

Theo Zhang Lijun, Phó giám đốc Cục bảo vệ môi trường quốc gia, một tuần sau vụ tai nạn, mức nitrobenzene ở đoạn sông chảy qua Cáp Nhĩ Tân cao gấp 30 lần so với tiêu chuẩn quốc gia của Trung Quốc. Trong khi đó mức benzene chỉ cao hơn 2,6 lần. Khi nước ô nhiễm chảy xuôi dòng, hàm lượng chất ô nhiễm trong nước đang giảm dần và một ít lắng lại trên đường đi. Mức ô nhiễm trong vụ tràn hoá chất kéo dài 80 kilômét này chắc chắn sẽ giảm hơn nữa ở Cáp Nhĩ Tân vì nhiều nhánh lớn hợp với Tùng Hoa tại thành phố này.

Vào trưa hôm 25/11, 13 ngày sau vụ tai nạn, hàm lượng nitrobenzene trong nước sông ở Cáp Nhĩ Tân vẫn cao gấp 18 lần tiêu chuẩn của Trung Quốc. Tuy nhiên, mức benzene đã giảm xuống dưới mức quy định. Alan Boobis, chuyên gia độc tố tại Đại học Hoàng gia London, cho biết benzene là một phân tử có thể tồn tại trong cơ thể động, thực vật một thời gian. Nó cũng rất dễ bay hơi và có thể bốc hơi vào khí quyển.

Bằng chứng dịch tễ cho thấy tiếp xúc lâu dài với benzene có thể làm tổn thương tuỷ xương và gây bệnh bạch cầu. Nó cũng có thể gây ra một dạng bệnh thiếu máu, ảnh hưởng tới các tế bào máu trắng. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh bạch cầu từ benzene là rất thấp, chỉ đối với những người phơi nhiễm nhiều năm. Phơi nhiễm với các hợp chất như amiăng có nguy cơ cao hơn nhiều.

Mặc dù vậy, nitrobenzene có thể được biến thành các hợp chất độc hại khác. Chẳng hạn vi khuẩn có thể biến nó thành một hợp chất aniline. Cục Bảo vệ môi trường Mỹ đã xếp aniline là một chất rất độc ở người cũng như là một chất có thể gây ung thư cho người.

Theo VietNamNet
  • 141