Nhà khoa học Harvard tự chế vắc-xin Covid-19 dạng xịt mũi và thử nghiệm trên bản thân mình

Hoekstra nói sau khi xịt vắc-xin anh đã cảm thấy tự tin hơn khi đi ra ngoài giữa đại dịch.

Ở đâu đó giữa một Boston đang co mình lại vì đại dịch, nhiều phòng thí nghiệm đã phải đóng cửa, nhiều hoạt động khoa học đã bị đình trệ nhưng Preston Estep đã kịp mướn cho mình một địa điểm bí mật. Và anh chỉ đủ tiền để làm điều đó.

Không có những khoản tài trợ hàng tỷ USD của chính phủ Mỹ, không một chiến dịch gây quỹ và không có một tổ chức nào đứng phía sau hỗ trợ nhưng anh ấy vẫn muốn chế tạo vắc-xin Covid-19.

Công việc được thực hiện một cách âm thầm và lặng lẽ, không chịu kiểm soát của bất kỳ hội đồng khoa học hay đạo đức nào. Preston chỉ cần một người đủ niềm tin, dũng cảm và liều lĩnh để thử nghiệm loại vắc-xin Do-It-Yourself của anh ấy.

Đứng giữa phòng thí nghiệm chập chờn ánh điện, Preston khuấy một vòng hỗn hợp hóa chất mình vừa tạo ra rồi xịt dứt khoát lên mũi.


Preston phát hiện 5 trong số các vắc-xin Covid-19 có thể được điều chế dưới dạng xịt mũi.

Bên ngoài những bức tường che giấu những gì mà Preston đang làm, gần 200 loại vắc-xin chống Covid-19 đang được phát triển bởi các tổ chức khoa học. 30 trong số đó đã lần lượt vượt qua các quy trình khoa học và đạo đức để tiến đến thử nghiệm lâm sàng trên người.

Nhưng khoảng thời gian từ bây giờ cho tới khi vắc-xin chính thức được thương mại hóa vẫn còn rất dài. Preston đã nghĩ anh cần phải làm điều gì đó nhanh hơn để tự bảo vệ mình. Giải pháp là tìm cách chế tạo một loại vắc-xin rồi tự mình thử nghiệm nó.

Là người đồng sáng lập Veritas Genetic - một công ty giải trình tự gen ở Mỹ, Preston đã nhanh chóng tập hợp được một đội ngũ các công tác viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Anh và tổ chức họ thành một dự án có tên là RADVAX (viết tắt của Rapid Development Vaccine).

Tôn chỉ của RADVAX đó là tìm kiếm một hướng phát triển vắc-xin mang tính "bình dân", như cách mà Preston nói. Và để làm được điều đó, anh và các cộng tác viên đã phải tìm lại các nghiên cứu vắc-xin chống SARS, MERS và gần 200 loại vắc-xin đang được phát triển cho Covid-19.

Mục tiêu của RADRAX là tìm được một hướng phát triển vắc-xin giá rẻ, đơn giản mà không cần đến thiết bị và nguyên vật liệu đắt tiền. Và thế là họ phát hiện 5 trong số các vắc-xin Covid-19 có thể được điều chế dưới dạng xịt mũi. 

Đó là một hướng đi tốt để tạo ra một hiệu ứng gọi là "miễn dịch niêm mạc". Miễn dịch niêm mạc là các phản ứng miễn dịch xảy ra trên màng nhầy của ruột, đường niệu sinh dục và cả đường hô hấp. Phản ứng này là tuyến đầu tiên trong hệ thống phòng thủ với mầm bệnh của cơ thể.

Ở đây, thứ mà Preston muốn tạo ra là một vắc-xin sử dụng epitope peptide, là các đoạn protein ngắn được gọi là "quyết định kháng nguyên". Các epitope này về cơ bản là các mảnh protein gai của virus SARS-CoV-2 được tổng hợp trong phòng thí nghiệm.

Chúng không thể khiến bạn bị nhiễm bệnh nhưng có thể kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể, là các tế bào T và tế bào B nhận diện được virus. Preston hi vọng phản ứng này có thể giúp người xịt vắc-xin chặn được virus SARS-CoV-2 ngay từ tuyến phòng thủ đầu tiên.

Lợi thế của hướng phát triển vắc-xin xịt mũi, đó là nó đòi hỏi không quá nhiều các trang thiết bị hiện đại. Preston và nhóm của mình chỉ cần một phòng thí nghiệm cơ bản như phòng thực hành hóa của trường phổ thông là đã có thể điều chế được nó.

Hai thiết bị đắt tiền nhất mà anh có chỉ là những chiếc pipet (về cơ bản là những ống hút dung dịch với độ chính xác cao) và máy khuấy từ (một cỗ máy khuấy để trộn dung dịch tự động). Ngoài ra, Preston chỉ cần thêm một vài ống đong, cân tiểu ly, bình thủy tinh, tấm gia nhiệt… Tất cả những dụng cụ này bạn có thể mua với giá dưới 500.000 đồng.

Hóa chất để điều chế vắc-xin cũng khá đơn giản. Ngoài các epitope phải đặt mua từ các công ty công nghệ sinh học, Preston chỉ cần thêm chitosan, sodium triphosphate, nước và sodium chloride. Tất cả đều có thể tìm thấy ở một cửa hàng hóa chất cơ bản.

Công thức mà RADVAX nghiên cứu ra để điều chế vắc-xin Covid-19 đã được công bố trên một "white paper" mà họ đăng tải công khai trên website của mình. Về cơ bản, white paper là một dạng giải thích khoa học với công chúng và truyền thông. Nó chỉ trình bày những gì mà RADVAX đã làm và nói rõ chúng có ý nghĩa như thế nào để mọi người không bị hiểu lầm.

White paper cũng không phải một công bố khoa học được bình duyệt (review) vì vậy, độ chính xác về mặt khoa học của nó không được đảm bảo. Có 4 tác giả đứng tên trên white paper của RADVAX và khoảng 10 tác giả giấu tên, những người không muốn bị truyền thông tấn công.

Họ nói rõ ràng những gì mình trình bày chỉ dành cho người trên 18 tuổi, có khả năng nhận thức và chịu trách nhiệm hoàn toàn với hành vi của mình. Bởi từ tài liệu này, bất cứ ai cũng có thể chế tạo lại loại vắc-xin của RADVAX và tự thử nghiệm trên bản thân mình.


George Church, nhà di truyền học nổi tiếng tại Đại học Harvard.

Khi đại dịch Covid-19 lan rộng ở Mỹ, Preston đã tìm được tổng cộng 70 tình nguyện viên sẵn sàng thử nghiệm vắc-xin do nhóm anh điều chế. Họ là những người đam mê khoa học, những người DIY sinh học thích thử nghiệm trên bản thân mình và cũng có cả các nhà khoa học từng tốt nghiệp hoặc giảng dạy ở MIT, Harvard…

Một trong số các tình nguyện viên này là George Church, nhà di truyền học nổi tiếng tại Đại học Harvard. Ông ấy đã nhận hai gói bưu phẩm từ RADVAC và tự pha chế hai liều vắc-xin niêm mạc tại nhà để sử dụng.

Một sự thật, Church chính là giáo sư hướng dẫn của Preston khi anh còn trong trường đại học và ông ấy đặt niềm tin tuyệt đối vào người học trò bảo bối của mình. Đại dịch đã khiến ông ấy phải ở trong nhà suốt 5 tháng nay nên ông đã đặt hàng Preston hai liều vắc-xin và xịt chúng cách nhau 1 tuần. Vắc-xin cực kỳ an toàn, Church nói.

Mặc dù vậy, không phải ai cũng đồng ý với những gì mà RADVAX đang làm. George Siber, cựu giám đốc bộ phận vắc-xin tại công ty dược phẩm Wyeth cho biết các peptide ngắn mà Preston cùng nhóm của anh sử dụng thường không kích hoạt được nhiều phản ứng miễn dịch.

Ông cũng không rõ liệu RADVAX đã xem xét các tác dụng phụ nguy hiểm mà loại vắc-xin của họ có thể tạo ra hay không, trong đó có một hiệu ứng tăng cường khi người tiêm vắc-xin có thể bị bệnh nặng hơn nếu nhiễm Covid-19.

"Đây không phải là một ý tưởng tuyệt vời gì, đặc biệt là trong trường hợp này, bạn có thể làm mọi thứ tồi tệ hơn. Bạn thực sự phải biết những gì bạn đang làm", Siber nói.

Arthur Caplan, một nhà đạo đức sinh học tại Đại học New Yorks thậm chí chỉ trích RADVAX là một trò hề. Ông nói Preston và đội ngũ của anh ấy đã bỏ qua mọi khâu quan trọng để kiểm soát chất lượng vắc-xin. Có khả năng loại vắc-xin của RADVAX sẽ gây hại cho người sử dụng, và Preston chỉ là một kẻ ngu ngốc nhưng lại nhiệt tình.

Church dĩ nhiên bảo vệ học trò của mình và nói ông không đồng ý. "Tôi nghĩ rủi ro lớn nhất của nó chỉ là vắc-xin không hiệu quả", Church nói. Còn về độ an toàn, bởi đây là một vắc-xin đơn giản, nó chẳng có gì nguy hiểm.

Trong phòng thí nghiệm của mình ở Harvard, Church đang khởi động một số nghiên cứu để kiểm tra tính hiệu quả của của công thức vắc-xin do RADVAX điều chế. Preston cũng hi vọng một số nhà miễn dịch học chính thống có thể kiểm tra vắc-xin cho mình, để xem nó có thực sự có tác dụng tạo được phản ứng miễn dịch hay không.

Cùng lúc đó, Preston tiếp tục tìm kiếm các tình nguyện viên dám thử nghiệm loại vắc-xin của mình. Anh gửi mail cho tất cả những người trong vòng tròn quan hệ. Một số phấn khích vì lời mời, một số thì ngược lại.

Alex Hoekstra, một nhà phân tích dữ liệu nhưng trước đây từng học ngành sinh học phân tử đã xịt thử vắc-xin của RADVAX. Anh nói nó có cảm giác khiến mũi bị nghẹt lại. "Đó không phải một cảm giác thoải mái nhất trần đời", Hoekstra nói, nhưng việc xịt vắc-xin đã khiến anh cảm thấy tự tin hơn để đi ra ngoài trong một thế giới giữa đại dịch:

"Tôi không tự tin đến nỗi liếm nắm cửa, nhưng đó là một cảm giác siêu thực khi tin rằng mình có thể miễn nhiễm với mối quy hiểm ngoài kia. Sự tồn tại của tôi trong đại dịch này sẽ là một bộ dữ liệu hữu ích. Việc xịt vắc-xin đem lại ý nghĩa và mục đích sống cho tôi".

Một CEO giấu tên khi được Preston mời thử vắc-xin của RADVAX thì nghĩ khác. "Anh ấy đã gọi tôi và nói "Ông có muốn thử không?". Và tôi đã nói không", anh nói. "Thực sự thì, anh ấy (Preston) là một nhà khoa học giỏi, nhưng tôi sẽ không muốn làm những gì mà anh ấy đang làm".

Cập nhật: 06/08/2020 Theo Phapluatbandoc
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Danh nhân thế giới

Khoa học vũ trụ

1001 bí ẩn

Ngày tận thế

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Lịch sử

Khoa học quân sự

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Bệnh và thông tin bệnh

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Virus Covid 19

Ứng dụng khoa học

Khoa học & Bạn đọc

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Góc hài hước

Video