Nhận dạng nạn nhân MH17 - thách thức khổng lồ với pháp y

Xác định danh tính của nạn nhân trong thảm họa là một nhiệm vụ không dễ dàng, đặc biệt khi bị giới hạn tiếp cận hiện trường và thu thập chứng cứ.

Xác định danh tính nạn nhân trong thảm họa (DVI) là một nhiệm vụ quan trọng, được tiến hành sau khi thảm họa xảy ra. Theo các nhà nghiên cứu, quá trình này sẽ gặp bất lợi tùy mức độ và tính chất của sự việc hay các yếu tố bên ngoài.

Trong trường hợp của MH17, việc xác định danh tính có thể gặp nhiều thử thách hơn, khi việc thu thập thi thể nạn nhân bị trì hoãn và cản trở trong thời gian đầu. Thêm vào đó, phạm vi khoanh vùng tìm kiếm trong 10km có cũng là nhân tố có ảnh hưởng đáng kể đối với lực lượng cứu hộ.

Thu thập thi thể nạn nhân

Thu thập thi thể được coi là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình xác định danh tính nạn nhân. Đây là giai đoạn cần được thực hiện bởi các chuyên gia và cảnh sát có kinh nghiệm và được đào tạo bài bản. Theo các chuyên gia, quá trình này liên quan đến việc thu thập thi thể và chứng cứ liên quan, bảo quản thi thể, tài sản cá nhân và các bằng chứng pháp y khác tại khu vực hiện trường.


Thi thể được đưa ra khỏi khu vực máy bay rơi. (Ảnh: EPA)

Trong giai đoạn này, nếu các yêu cầu tiêu chuẩn không được thực hiện một cách đầy đủ và chính xác, việc xác định danh tính nạn nhân sau này sẽ gặp khó khăn.

Theo hình ảnh được ghi lại từ hiện trường MH17, các tay súng vũ trang có mặt tại vị trí máy bay rơi và tập trung quanh mảnh vỡ máy bay có thể là những người chưa được huấn luyện về lĩnh vực này. Lực lượng tìm kiếm không được đào tạo có thể không phát hiện các bằng chứng có giá trị, bởi vậy họ sẽ không thu thập hay thậm chí bỏ qua chúng.

Tổng hợp tư liệu

Các phần thi thể và vật dụng cá nhân hay tài sản thường được đánh dấu bằng con số riêng biệt trước khi tập hợp đến một địa điểm nào đó, và tiếp tục gắn số trong suốt quá trình xác định danh tính sau đó.

Điều này có thể hạn chế nguy cơ mất mát hoặc ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của thi thể, duy trì bằng chứng tại hiện trường. Trong các trường hợp mà nguyên nhân thảm họa có liên quan đến khủng bố hoặc tội phạm, đây được coi là bước quan trọng hỗ trợ cho các thủ tục pháp lý khác.

Đối với việc xác định danh tính nạn nhân đa quốc gia, như trường hợp của MH17, đội ngũ chuyên gia pháp y của các nước liên quan cần có mặt tại hiện trường để đảm nhiệm công việc này một cách chính xác.

Malaysia Airlines đã xác định được các hành khách trên chuyến bay MH17 và tổ bay đến từ Hà Lan, Malaysia, Australia, Indonesia, Anh, Đức, Bỉ, Philippines, Canada và New Zealand.

Tuy nhiên, phe ly khai ở khu vực miền đông Ukraine bị cho là nhiều lần cản trở quá trình tiếp cận hiện trường nhằm thu thập bằng chứng và điều tra. Các chuyên gia quốc tế, trong đó bao gồm nhóm của Australia - quốc gia có đội ngũ chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này, đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận hiện trường và thi thể các nạn nhân.

Bảo vệ thi thể

Quy trình xác định danh tính nạn nhân trong thảm họa MH17 bao gồm hoạt động khám nghiệm tử thi, dấu vân tay, phân tích mẫu răng và DNA, so sánh bằng chứng với dữ liệu hồ sơ nha khoa, tài liệu y tế, ảnh cá nhân và dấu vân tay từng cá nhân. Mẫu DNA được lấy từ thi thể và các phần thi thể nạn nhân tại hiện trường máy bay rơi, sau đó có thể được so sánh với DNA của gia đình, người thân và các vật dụng cá nhân khác.

Dưới tác động của ánh nắng mặt trời, thi thể nạn nhân sẽ nhanh chóng bị phân hủy. Đầu mối hay bằng chứng liên quan như dấu vân tay, hình xăm, vết sẹo, vết bớt hay khả năng nhận dạng hình ảnh có thể biến mất dần.

Chậm trễ trong quá trình thu thập thi thể nạn nhân không có ảnh hưởng đến việc thu thập thông tin DNA từ xương nạn nhân, tuy nhiên sẽ tác động đến quy trình với mẫu máu và mô mềm.

Phân tích DNA là phương pháp từng được sử dụng để xác định nạn nhân trong vụ tấn công 11/9 ở Mỹ vào năm 2001, nổ bom ở Bali năm 2002. Các công nghệ phân tích cũng được cải thiện đáng kể trong 20 năm qua.


Các thi thể được bọc trong túi đen và đặt bên lề đường. (Ảnh: EPA)

Ảnh hưởng của các vụ nổ

Ảnh hưởng của các vụ nổ và đám cháy do tên lửa là một thách thức khác với các chuyên gia. Sức nóng và lực phá hủy của vụ nổ ban đầu, cùng với quá trình va chạm sau đó sẽ khiến thi thể khó được nhận dạng và khôi phục.

Các chuyên gia trên thế giới từng ứng dụng thành công khoa học pháp y trong nhiều thảm họa tấn công trước đây. Mặc dù vậy, giới chuyên gia cho rằng không phải tất cả các nạn nhân đều có thể được xác định.

Bằng chứng pháp y tại hiện trường máy bay rơi không chỉ cung cấp thông tin cho quá trình nhận dạng nạn nhân, mà còn có thể giúp tìm ra nguyên nhân vụ việc. Bằng chứng cũng có thể được sử dụng tại tòa án, nhằm truy tố những bên phải chịu trách nhiệm liên quan đến vụ tấn công.

Trước đó, chính phủ Malaysia từng kêu gọi các bên liên quan bảo vệ hiện trường máy bay rơi ở khu vực miền đông Ukraine, tránh nguy cơ giả mạo hoặc tiêu hủy bằng chứng để che giấu sự thật.

Theo Vnexpress
Danh mục

Công nghệ mới

Phần mềm hữu ích

Khoa học máy tính

Phát minh khoa học

AI - Trí tuệ nhân tạo

Khám phá khoa học

Sinh vật học

Khảo cổ học

Đại dương học

Thế giới động vật

Khoa học vũ trụ

Danh nhân thế giới

Ngày tận thế

1001 bí ẩn

Chinh phục sao Hỏa

Kỳ quan thế giới

Người ngoài hành tinh - UFO

Trắc nghiệm Khoa học

Khoa học quân sự

Lịch sử

Tại sao

Địa danh nổi tiếng

Hỏi đáp Khoa học

Y học - Sức khỏe

Môi trường

Bệnh Ung thư

Ứng dụng khoa học

Câu chuyện khoa học

Công trình khoa học

Sự kiện Khoa học

Thư viện ảnh

Video