Nhật Bản đang cân nhắc biện pháp làm bay hơi hoặc trữ nước nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima, thay thế cách thải nước ra đại dương.
Nhật cân nhắc biện pháp làm bốc hơi nước nhiễm xạ ở Fukushima
Naohiro Masuda, một quan chức của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), hôm qua cho biết chính phủ đang cân nhắc giải pháp làm bốc hơi nước chứa tritium thay vì thải ra đại dương, tuy nhiên không biết thời điểm đưa ra quyết định cuối cùng.
Các chuyên gia tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima. (Ảnh: AP)
Sau thảm họa rò rỉ hạt nhân năm 2011, việc loại bỏ hàng trăm nghìn tấn nước nhiễm tritium, một đồng vị phóng xạ tương đối vô hại, là một trong nhiều vấn đề TEPCO đang phải xử lý. Nước được sử dụng để làm mát các lò phản ứng và ngăn rò rỉ phóng xạ có thể xảy ra, tuy nhiên hiện chưa có công nghệ nào loại bỏ tritium.
Theo Reuters, TEPCO muốn thải nước ra đại dương, một cách thức phổ biến tại nhiều nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động trên thế giới, nhưng vấp phải ý kiến không đồng tình của ngư dân địa phương. Do đó, họ đưa ra giải pháp làm bốc hơi nước hoặc lưu trữ dưới lòng đất.
Sau thảm họa hạt nhân Three Mile Island ở Mỹ năm 1979, các chuyên gia từng áp dụng phương pháp bốc hơi nước nhiễm xạ, tuy nhiên lượng nước này khá ít. Dale Klein, một cố vấn của TEPCO, nhận định lượng nước ở Fukushima rất lớn, do đó không thể áp dụng cách làm trên. Nước sẽ bốc hơi, ngưng tụ và xuất hiện trở lại ở dạng nước mưa.
Thảm họa động đất và sóng thần hồi tháng 3/2011 ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà máy điện hạt nhân Fukushima, kéo theo sự cố rò rỉ của ba lò phản ứng hạt nhân.